Các thuật ngữ chạy bộ phổ biến

Trong bài viết trước Tuấn có chia sẻ với các bạn về cách thở khi chạy bộ còn trong bài viết này Tuấn sẽ chia sẻ với các bạn một số thuật ngữ chạy bộ phổ biến mà bạn cần biết theo thứ tự ABC để dễ dàng tra cứu. Nếu bạn biết thuật ngữ nào chưa có ở đây thì gửi cho Tuấn để Tuấn cập nhật nhé.

10k

10K là viết tắt của 10km (10000m) là tên gọi của quãng đường chạy bộ đượcvới cự ly 10.000 mét. 10K còn được biết với các tên tương tự như: 10K Run, 10000, 10km.

21k

21K là tên gọi khác của Half-Marathon, là một cự ly chạy bộ đường trường (distance running) dành cho các vận động viên chuyên nghiệp và những người chạy bộ nhiều kinh nghiệm

A

Achilles tendon

Gân Asin. Gân lớn nhất cơ thể, nằm phía sau cẳng chân, nối từ bắp chân đến gót chân.

Achilles tendonitis

Viêm gân Asin. Achilles Tendon là phần gân được nối giữa phần bắp chân và gót chân. Hiện nay, chứng viêm phần gân Achilles thường xảy ra với các người mới chạy bộ, đặc biệt trong các trường hợp tăng đột ngột cường độ và quãng đường tập luyện trong khi cơ bắp và cơ thể chưa kịp thích nghi.

Aeronic

Hiếu khí (có oxy). Tình trạng chuyển hoá khi cơ thể còn có thể hấp thu đủ oxy đáp ứng cho nhu cầu vận động.

Aerobic run

Chạy vừa sức.

Aid Station

Aid Station còn gọi là trạm cứu hộ, hay còn gọi là trạm dừng chân tiếp nước trong các cuộc thi chạy. Mỗi điểm dừng trong chặng đua sẽ là nơi tiếp nước hoặc thức uống thể thao cho các vận động viên…bên cạnh đó, trong các giải đua lớn, trạm còn tiếp thêm một số nguồn năng lượng khác cho vận động viên như thanh gel, bar năng lượng, hoặc một số phụ kiện khác.

Altitude training (TẬP LUYỆN NGƯỠNG CAO)

Hiện nay, một số vận động viên “gạo cội” tập luyện tại ngưỡng cao nhằm gia tăng số lượng hồng cầu (red blood cells) có trong máu, từ đó cải thiện khả năng vận chuyển oxy đến các nhóm cơ. Tại ngưỡng cao, một khoảng oxy có trong máu sẽ giảm bởi càng lên cao, chất lượng oxy càng suy giảm.

Anaerobic

Yếm khí (thiếu oxy). Tình trạng chuyển hoá khi hệ hô hấp và tuần hoàn không đáp ứng đủ nhu cầu oxy của mô và cơ. Khi đó cơ thể sẽ sản sinh ra axit lactic trong cơ.

Anaerobic threshold

Ngưỡng yếm khí: Giai đoạn giữa trạng thái chạy yếm khí (anaerobic) và hiếu khí (aerobic). Nếu tập luỵên tốt/đúng sẽ nâng được ngưỡng này bằng cách huấn luỵên cho các cơ sử dụng oxy hiệu suất hơn, do vậy tạo ra ít axit lactic hơn. Còn gọi là “Ngưỡng lactat”

Anaerobic run

Chạy gắng sức.

Dùng để nói về việc chạy hay tập luyện ở cường độ mà hệ hô hấp và tuần hoàn không thể cung cấp đủ hay gần đủ lượng ô xy cần thiết cho các cơ, và không đủ nhanh dẫn đến axit lactic tích lại trong các cơ, và từ đó gây ra cảm giác mệt mỏi, nặng nề. Người ta không thể chạy với vận tốc tạo ra trạng thái yếm khí (anaerobic) lâu dài.

B

Bib

Số báo danh. Số báo danh của các vận động viên tham gia chạy giải.

Blister

Phồng rộp. Thường chỉ tình trạng phồng, rộp ngón chân, bàn chân khi chạy đường trường.

Beer 😀

Sinh tố lúa mạch, thức uống bổ xung năng lượng cho runner sau khi chạy 😀

C

Cadence

Cadence dịch sát nghĩa  “nhịp bước chạy”, được định nghĩa  số bước chân di chuyển trong một phút. Bạn có thể tính toán cadence bằng cách đếm số lần bàn chân tiếp đất trong 60 giây. Các vận động viên chuyên nghiệp thường có cadence lớn hơn 180 lần / phút.

Carbohydrates (carbs)

Nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể khi vận động.

Carb Loading

Carb hay Carbohydrate Carb, một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong thực đơn dinh dưỡng hằng ngày bao gồm carbon, hydro và oxy. Carb giúp cung cấp năng lượng hằng ngày, khi đi vào cơ thể, carb sẽ phân giải thành glucose và chất béo, 2 nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Carb bao gồm tinh bột, đường và chất xơ .

Lựa chọn nguồn Carb tốt giúp gia tăng năng lượng cho cơ thể.

Carb loading là thuật ngữ chỉ gia tăng phần trăm lượng carb (carbohydrate) trong khẩu phần ăn trong suốt quá trình chuẩn bị trước các sự kiện đường trường diễn ra, như giải marathon, hay half-marathon hoặc chạy đường dài.

Có hai loại Carb chính bao gồm Carb toàn phần và Carb tinh chế. Carb toàn phần là carb chưa qua tinh chế, vẫn chứa chất xơ tự nhiên, là nguồn carb tốt rất có lợi cho sức khoẻ như bánh mì đen, gạo mầm, gạo lức, trái cây, rau củ, khoai tây, khoai lang, ngũ cốc, yến mạch… Đối với nguồn carb đã tinh chế, đây được xem như là “nỗi sợ” cho những ai mong muốn giảm cân. Carb tinh chế đã bị loại bỏ chất xơ, thay vào đó là đường, một trong những nguyên nhân chính gây béo phì, bệnh tim, tiểu đường type 1 và 2… Carb tinh chế bao gồm nước trái cây, bánh ngọt, gạo trắng, mì gói….

Chafing

Trầy xước. Hiện tượng da bị trầy xước do cọ sát (với quần áo, dụng cụ như túi nước,…) trong quá trình chạy. Thường xuất hiện khi chạy trong thời gian dài.

Chuẩn Boston

Tiêu chuẩn để tham dự giải marathon danh giá nhất thế giới Boston Marathon.

Các giải marathon lớn trên thế giới thường có số người đăng kí tham gia vượt xa số lượng cho phép. Để chọn lựa người tham dự, mỗi giải lại có cách làm khác nhau, ví dụ như ai đăng kí sớm hơn sẽ được dự cho đến khi hết suất, hay áp dụng bốc thăm ngẫu nhiên, hoặc phải đạt mức thành tích cao hơn một ngưỡng nhất định thì mới được xét tham dự.

Do tính chất hấp dẫn và truyền thống lâu đời của giải, Boston Marathon áp dụng phương pháp xét thành tích đòi hỏi người chạy bộ, tuỳ theo độ tuổi, phải đạt thành tích thời gian chạy cự li marathon rất tốt mới được tham dự. Tiêu chuẩn thành tích cho từng độ tuổi đó được gọi là chuẩn Boston.

Chip time

Thời gian tính bằng chip.

Cool-down

Chạy chậm dần trước khi dừng lại. Quá trình này giúp nhịp tim giảm từ từ, tránh cơ thể chuyển đột ngột từ trạng thái vận động mạnh sang trạng thái nghỉ ngơi. Việc này rất giúp ích cho tim được nghỉ ngơi và hạ nhịp từ từ, tránh tình trạng máu không được lưu thông đều xuống chân.

Corral (Rào ngăn)

Cổng ngăn được đặt vùng điểm xuất phát của chặng đua, giúp phân làn thành 2 vùng tốc độ (pace) khác nhau. Các cá nhân càng chạy nhanh, thì họ càng kết thúc tại một vài điểm cổng ngăn. Cổng ngăn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các giải chạy lớn, như giải marathon, chạy địa hình, ….

Cross training

Tập bổ trợ. Các hoạt động như bơi, đạp xe, bổ trợ cho môn chạy bộ, giúp cải thiện thể lực và giảm nguy cơ chấn thương.

Cushioning

Giày giảm chấn. Thường là loại đế dày, giảm tối đa áp lực của cơ thể dồn lên gót chân và lòng bàn chân khi chạy.

Clydesdale

Clydesdale là thuật ngữ chỉ những người chạy bộ có kích thước cơ thể lớn hơn, thường tập trung vào việc tập luyện nâng cao sức mạnh hơn là tốc độ. Bên cạnh đó, những vận động viên này thường cũng sẽ đua cùng với các vận động viên khác, tuy nhiên sẽ đua trong hạng mục của mình, giúp nâng cao cơ hội cạnh tranh của họ trong các cuộc thi.

D

DNF (Did not finish)

Không hoàn thành mục tiêu đề ra. Bỏ cuộc.

E

Easy run

Chạy nhẹ nhàng. Khi chạy có thể chuyện trò, nói được cả câu.

Endorphins

Các hoạt chất được não tiết ra khi chạy bộ, khiến người chạy có cảm giác hưng phấn.

Endurance

Sức bền. Thể hiện khả năng một vận động viên có thể chạy liên tục không nghỉ trong thời gian bao lâu.

F

Fartlek

Chạy tuỳ hứng. Bài tập chạy nhanh kết hợp chạy chậm, tuỳ sức, tuỳ hứng. Fartlek nghĩa  “trò chơi tốc độ” trong tiếng Thụy Điển. Các buổi chạy Fartlek được xây dựng dựa trên các buổi chạy nền (Base Run) và được pha trộn thêm các bài tập biến tốc (Interval Run). … Do đó, Fartlek được xem như món giải trí, giúp thay đổi gia vị, tạo hứng khởi trong giáo án tập luyện của bạn.

Forefoot

Phần mũi chân. Gồm 5 xương bàn chân và 14 xương đốt ngón chân.

Forefoot running

Kỹ thuật chạy tiếp đất bằng phần mũi chân.

Finisher

Người chạm đích cuộc thi và hoàn thành đầy đủ cự ly trong thời gian cho phép.

Full Marathon (42,195 km)

Marathon hay còn gọi là Ma-ra-tông là một cự ly chạy bộ đường dài với tổng chiều dài chính xác là 42,195 km. Đây được coi là một cự ly tiêu chuẩn trong chạy đường dài và cũng là cự ly phổ biến nhất trong các cuộc đua chạy bộ trên toàn thế giới. Để có thể hoàn thành được cự ly hơn 42km này bạn cần có một kế hoạch tập luyện nghiêm túc và bài bản, nó không hề đơn giản như việc chạy 10km hay ngay cả việc hoàn thành tốt cự ly bán marathon (21.1km) cũng không đồng nghĩa với việc bạn có thể hoàn thành tốt cự ly full marathon. Người đang nắm giữ kỷ lục chạy ở cự ly này là VĐV người Kenya Dennis Kimetto với thành tích 2:02:57 lập tại giải Berlin Marathon năm 2014. Cho tới nay chưa một ai có thể chạy marathon dưới 2h và đó được coi là ngưỡng tới hạn cho thể trạng của con người. VĐV huyền thoại Eliud Kipchoge với sự tài trợ và giúp đỡ của hãng thể thao Nike, trong điều kiện chạy lý tưởng đã hoàn thành cự ly này với thành tích 2:00:25 và đây có thể coi là thành tích cao nhất từ trước tới nay, tất nhiên nó không được công nhận là thành tích marathon chính thức do nó không được thực hiện trong một giải thi đấu chính thức.

G

Glucose

Đường đơn. Phản ứng phân huỷ đường đơn sẽ sản sinh ra năng lượng cho cơ thể.

Glycogen

Một dạng dự trữ carbohydrate. Glycogen có nhiều trong gan và cơ. Khi vận động nặng, glycogen được chuyển hoá thành glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Gun time

Thành tích thời gian tính từ lúc súng lệnh nổ cho tới khi vận động viên chạy qua vạch đích. Trong các giải chạy lớn, thời gian này thường dài hơn so với thời gian tính theo chip điện tử (chip time, net time), do vận động viên đứng ở tổ xuất phát phía sau sẽ mất một khoảng thời gian nhất định mới chạy tới được vạch xuất phát.

Nếu như thời gian tính theo chip điện tử vẫn được coi là thành tích thi đấu chính thức của vận động viên, thời gian theo súng lệnh lại được sử dụng để phân định thứ hạng của những người về đầu hay những người tham gia tranh giải. Việc này có mấy lý do:

  • Đây là chạy đua, ai về trước là người thắng cuộc (không quan tâm tới thời điểm xuất phát)
  • Nếu một người cố ý xuất phát sau để tạo lợi thế tâm lý (khi đã biết trước thành tích của người chạy trước), điều đó sẽ tạo ra sự bất công khi đua tranh giải
  • Thời gian theo súng lệnh giúp các vận động viên dẫn đầu nhận thức được mình đang ở vị trí nào của đoàn đua, nhờ đó có sự phân phối sức lực và chiến thuật chạy đua phù hợp

Ở một số giải đấu lớn, như Boston Marathon, các vận động viên tranh giải (nhóm elite) được sắp xếp chạy trước, với lợi thế rõ ràng về thời gian theo súng lệnh so với những người khác. Bạn cần phải thoả mãn một số tiêu chí về thành tích để được Ban tổ chức xếp vào nhóm elite và được hưởng lợi thế này. Nếu không ở trong nhóm elite, gần như không có cơ hội tranh giải, dù thời gian theo chip điện tử có thể không cách biệt quá nhiều.

H

Half Marathon (HM)

Bán marathon. Chiều dài 21,1 km, hay 13,1 dặm

Heart Rate (BPM = Beats per Minute)

Nhịp tim là tốc độ nhịp tim đo bằng số lần co thắt (nhịp đập) của tim mỗi phút (bpm – beat per minute). Nhịp tim có thể thay đổi theo nhu cầu thể chất của cơ thể, bao gồm cả nhu cầu hấp thu oxy và bài tiết carbon dioxit. Nó thường bằng hoặc gần với xung được đo tại bất kỳ điểm ngoại vi nào. Các hoạt động có thể tạo ra thay đổi bao gồm tập thể dục, ngủ, lo lắng, căng thẳng, bệnh tật và khi uống thuốc.

Heel-to-Toe Drop

Độ dốc gót mũi: Độ chênh lệch giữa chiều cao gót giày và chiều cao mũi giày, thường được đo bằng đơn vị mm. Độ chênh lệch này thường do các vật liệu phần gót và mũi quyết định.

Đại đa số giày chạy đều có phần gót cao hơn, giúp hấp thu chấn động tốt hơn khi người chạy đáp chân xuống mặt đường. Vì thế độ dốc gót mũi cao thường đi kèm độ đệm cao.

Những đôi giày có độ dốc gót-mũi thấp là loại giầy buộc người chạy bộ phải đáp chân phần mũi hoặc phần giữa bàn chân. Loại giày này thường được dùng để sửa thói quen chạy tiếp đất bằng gót chân mà những người mới tập hay mắc phải, nhưng về lâu dài, đây là loại giày khiến người chạy bộ thiệt về lực, phải dùng nhiều cơ phần bắp chân trong quá trình chạy.

Chạy chân trần có độ dốc gót mũi là 0 mm.

Hill repeats

Hill repeats có thể được hiểu  các buổi chạy lên dốc được lập đi lập lại. Bạn sẽ phải thực các đoạn chạy lên đồi, lên dốc liên tục trong suốt buổi tập. Các bài tập này giúp rèn luyện sức mạnh, khả năng hô hấp và sức chịu đựng ở cường độ cao. Độ dốc lý tưởng cho các buổi chạy Hill Repeats là từ 4-6%.

Hit the wall

“Đụng tường” là tình trạng tại một thời điểm nhất định nào đó trong một cuộc chạy, thường là một cuộc đua, khi mức năng lượng của người chạy bộ bị cạn kiệt, hơi thở trở nên hổn hển và các ý nghĩ tiêu cực ào ạt đổ tới. Tình trạng này thường xảy ra ở dặm thứ 20 của cuộc chạy marathon (khoảng km số 32). Các chuyên gia nói rằng tình trạng “đụng tường” thường xảy ra ở khoảng 2/3 chặng đường của bất kì cuộc đua nào, bất kể cự li.

Tình trạng này xảy ra là do cạn kiệt dự trữ glycogen trong cơ thể. Vì thế, việc nạp năng lượng đầy đủ khi luyện tập hay thi đấu rất quan trọng. Nạp đường từ nước uống thể thao hay gel năng lượng, từ đó có thể chuyển hoá thành năng lượng tiếp cho cơ bắp.

Một nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến đụng tường, hoặc làm nặng nề hơn tình trạng này, đó là tình trạng đau cơ do vận động, hay gặp khi phải thực hiện bài chạy leo dốc / độ dốc nhiều, hoặc nếu người chạy thiếu quá trình luyện tập cần thiết.

I

Iliotibial band

Dây chằng chậu chày. Dây chằng dọc phía ngoài đùi, nối từ hông đến khớp gối, giúp gập và xoay gối.

Iliotibial band syndrome (ITBS)

Hội chứng dây chằng chậu chày. Tình trạng dây chằng chậu chày bị viêm do vận động quá nặng hoặc kỹ thuật chạy chưa tốt.

Interval training

Chạy biến tốc. Bài tập chạy xen kẽ chạy nhanh với chạy chậm (hoặc đi bộ), nhằm mục đích cải thiện tốc độ của vận động viên.

Iron Man 70.3

Chỉ số ” 70,3 ” đề cập đến khoảng cách trong tổng số dặm ( 113,0 km ) bao phủ trong cuộc đua, bao gồm 1,2 dặm ( 1,9 km ) swim, 56 dặm ( 90 km ) đi xe đạp , và 13,1 dặm ( 21,1 km ) chạy. Mỗi khoảng cách của bơi lội , đạp xe, và các phân đoạn chạy là một nửa khoảng cách của phân khúc đó trong ba môn phối hợp Ironman (Ironman triathlon.)

Ironman Triathlon

Ironman Triathlon là thể loại đua ba môn phối hợp đường dài của Triathlon World Corporation ( WTC ) bao gồm 2,4 dặm ( 3,86 km ) bơi, 112 dặm ( 180,25 km ) đi xe đạp và chạy marathon cự ly 26.2 dặm ( 42,2 km ), vận động viên bắt buộc phải chạy đua theo thứ tự đó và không ngừng nghỉ . Nó được coi là một trong những sự kiện thể thao 3 môn phối hợp trong một ngày khó khăn nhất trên thế giới.

ITRA

ITRA là chữ viết tắt của International Trail Running Association, Hiệp Hội Chạy Đường Mòn Quốc Tế. Đây là hiệp hội quản lý và giám sát ở cấp quốc tế đối với bộ môn chạy đường mòn. ITRA cho phép các giải chạy trail tham gia hiệp hội và quy định điểm số cho các giải chạy này. Các vận động viên khi hoàn thành các giải chạy này sẽ được ghi nhận điểm số và số điểm đó sẽ được dùng để xét tham dự các giải chạy đường mòn lớn như UTMB v.v…

J

Jogging

Chạy chậm.

L

Lactate / Lactic acid

Axit lactic. Sản phẩm chuyển hoá glucose trong điều kiện thiếu oxy.

Lactate threshold

Ngưỡng lactate. Tương tự anaerobic threshold.

Lactate threshold run

Chạy ở tốc độ cơ thể bắt đầu sinh ra acid lactic. Tương tự tempo run.

Long run

Chạy dài. Bài tập chạy cơ bản khi tập các cự ly đường trường, giúp vận động viên tăng sức bền và rèn luyện tâm lý.

M

Marathon / Full Marathon (FM)

Chạy gấp 2 lần HM. Chiều dài tương đương với 42,195 km, hay 26,2 dặm.

N

Negative splits

Chạy nửa sau quãng đường nhanh hơn nửa đầu.

O

Out-and-back

Đường chạy lộn lại: Là dạng đường chạy giải hoặc một đoạn đường chạy trong giải trong đó vận động viên chạy tới một điểm và quay lại chạy đúng quãng đường đã chạy nhưng theo hướng ngược lại.

Điểm hay của loại đường đua này là những đoạn nào bạn phải leo dốc ở lượt đi thì lượt về sẽ là đoạn đổ dốc đúng cự li như lúc leo lên. Dĩ nhiên là ngược lại lượt đi bạn đã đổ dốc thì khi quay về, bạn sẽ phải leo dốc ngược lại đúng đoạn đó.

Trong các giải marathon lớn, đáng chú ý có Dubai Standard Charter Marathon có đường chạy lộn lại.

Overpronation

Tư thế bàn chân ngả vào trong.

P

Pace

Tốc độ chạy. Thường tính bằng số phút cần có để hoàn thành 1km/1 dặm.

Pacer

Người chạy dẫn tốc. Người của ban tổ chức, chạy trong các kì thi chạy việt dã với tốc độ ổn định, để mọi người chạy theo.

Personal Record (PR)

Thành tích cá nhân tốt nhất của một vận động viên.

R

Recovery run

Chạy phục hồi. Là bài tập chạy nhẹ sau khi chạy dài / chạy nhanh..

RICE : Rest, Ice, Compression, Elevation

4 kỹ thuật chủ yếu giúp hồi phục chấn thương.

    –    Rest: Nghỉ ngơi.

    –    Ice: Chườm đá.

    –    Compression: Băng ép, mặc đồ bó sát. Giúp chia tách và ép chặt các khối cơ đùi, lưu thông máu, giúp hồi phục chấn thương nhanh hơn.

    –    Elevation: Gác cao chân. Giúp máu tĩnh mạch về tim dễ hơn, giảm sưng, phù nề.

S

Shoe Last

Last giày (tên tiếng anh Shoe Last) là tên gọi của khuôn giày mô phỏng hình dáng của của bàn chân. Last là bộ phận không thể thiếu trong ngành công nghiệp giày. Nó chính là phần “phôi” định hình nên hình dáng giày. … Last thường được làm bằng gỗ (sản xuất giày da) và bằng nhựa (sản xuất giày thể thao).

Shin splints

Tình trạng sưng, đau cơ mặt trước cẳng chân.

Splits

Thông số về tốc độ và thời gian chia đều theo km để hoàn thành một quãng đường

Stamina

Thể lực. Phản ánh khả năng vận động viên có thể tiếp tục chạy với một tốc độ nhất định, kết hợp cả tốc độ và sức bền.

Stride

Sải chân / bước chân.

Stride per minute

Số sải chân trong một phút.

T

Talk Test

Kiểm tra hội thoại. Một cách tự kiểm tra mức độ gắng sức của cơ thể khi luyện tập thể thao. Nói được cả câu là mức độ gắng sức nhẹ tới vừa (aerobic), nói được vài từ là mức độ gắng sức nhiều (anaerobic), không nói được là mức độ gắng sức rất nhiều.

Track

Đường chạy / Vòng chạy trong sân vận động.

Trail running

Chạy off-road, chạy trên đường đất hoặc đường đồi núi, không phải trên đường nhựa.

Taper

Giai đoạn dưỡng sức. Quá trình dưỡng sức trước khi thi chạy, thường kéo dài 3-4 tuần trước khi chạy marathon, hoặc 2-3 tuần trước khi chạy bán marathon.

Tempo run

Chạy tốc độ. Tương tự lactate run. Khi chạy tốc độ, cơ thể sẽ giải phóng axit lactic và các ion vào cơ, dẫn đến mỏi cơ. Bài tập chạy tốc độ giúp cải thiện ngưỡng lactate, lâu dần giúp cơ khó bị mỏi hơn. Khi chạy tốc độ, vận động viên thường chỉ nói được vài từ, không nói được cả câu.

Ten percent rule

Luật 10%. Mỗi tuần chỉ tăng quãng đường chạy không quá 10%.

Triathlon

Triathlon hay còn gọi là Ba môn phối hợp bao gồm chạy bộ, bơi và đua xe đạp. Ban đầu các vận động viên đua bơi lội. Tiếp đó là đua xe đạp tới đường chạy, cuối cùng các vận động viên chạy bộ để về đích.

Đây là môn thể thao được chơi ngoài trời và là một môn thể thao mới được chơi tại Olympic Sydney 2000, Á Vận Hội và thậm chí tại SEA Games. Ba môn phối hợp đòi hỏi các vận động viên phải có một sức bền cả về thể lực lẫn tinh thần. Đây là môn thể thao thi đấu cá nhân hoặc đồng đội (relay). Môn thể thao này có rất nhiều người tham gia.

Tại Việt Nam hiện tại phong trào triathlon đang ngày càng phát triển khi cuộc thi triathlon quốc tế Ironman 70.3 đã diễn ra ở Đà Nẵng trong 3 năm liên tiếp.

U

Ultra/ Ultramarathon

Cự ly chạy dài hơn cự ly marathon.

Underpronation

Tư thế bàn chân ngả ra ngoài.

V

VO2 Max

Lượng oxy tối đa một người có thể hấp thụ trong một phút khi luyện tập. VO2 max phụ thuộc yếu tố di truyền, tuổi, giới, thể trạng, quá trình luyện tập. Vận động viên có VO2 max cao sẽ chạy nhanh hơn vì quả tim có thể cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ thể.

W

Warm-up

Chạy khởi động. Quá trình chạy khởi động thường kéo dài 10-15 phút, giúp tăng dần nhịp tim và nhịp thở, cũng như tăng dần lượng máu đến cơ, chuẩn bị cho những hoạt động thể lực mạnh hơn.

Chúc các bạn luôn khoẻ. Cập nhật mới nhất 25/03/2021

3 thoughts on “Các thuật ngữ chạy bộ phổ biến

  1. Pingback: Hướng dẫn cách thở khi chạy bộ dành cho người mới chạy

  2. Pingback: Chạy bộ có làm to bắp chân không ?

  3. Pingback: 10 thực phẩm tốt nhất cho người chạy bộ

Comments are closed.

All in one