Làm sao để hẹn 1 ai đó đi cafe?

ĐỪNG BAO GIỜ NÓI: “Bữa nào rảnh cafe nha”

Đây gần như cách nói quen thuộc khi bạn muốn hẹn một người mà bạn muốn gặp. Tuy nhiên, đây là cái câu kém chưa từng thấy. Vì nó chẳng bao giờ trở thành hiện thực.

“Bữa nào rảnh cafe nhen” sẽ tương đương với….. “không có cái bữa nào cả”. Một cuộc hẹn kiểu này sẽ rất xa vời, người được hẹn sẽ có cảm giác, gặp cũng được, không cũng được, không quan trọng. Bạn cứ ngẫm lại những lần mình hẹn ai đó bạn câu nói này đi, bạn đã hẹn gặp được chưa?

Thay vì vậy, nếu thật sự muốn thực hiện một cuộc hẹn với ai đó, bạn nên sử dụng chiến lược: “2 lựa chọn”.

CHIẾN LƯỢC 2 LỰA CHỌN LÀ GÌ?

Giả sử bạn muốn mời một cô gái mới quen đi cafe. Hãy chọn ra hai thời điểm cụ thể, càng gần thời điểm hiện tại nhất càng tốt. Ví dụ như sau:

– Em ơi, anh muốn mời em cafe nhưng không biết tối mai hoặc tối thứ bảy, bữa nào em rảnh:

– Dạ mai em bận rồi, tối thứ bảy anh nha.

– Ố kề, vậy tối thứ bảy anh qua đón em nhé!

-YEAH!

Trong trường hợp này, giả sử tôi nói theo một cách thông thường mà bạn vẫn nói:

– Em ơi, anh muốn mời em cafe, tối mai em có rảnh không?

– Dạ, sorry anh, nhưng tối mai em có hẹn rồi, hẹn anh dịp khác nhé!

Ở đây chỉ là giả định, nhưng có phải kịch bản đáng sợ này đã từng diễn ra với bạn không?!

Con người có một nguyên tắc tâm lý: thích được tự mình lựa chọn, khi được quyền lựa chọn họ sẽ có cảm giác được chủ động thay vì bị áp đặt. Với con gái, nó còn làm cho cô ấy trở nên: Có Giá hơn! Và một lý do khác, khi đưa ra hai lựa chọn thì người ta lại ít khi nghĩ ra rằng họ còn một lựa chọn thứ 3 nữa đó là: TỪ CHỐI. Nó còn gọi là “điểm mù” trong nhận thức tức thời này.

Chuyện kể rằng có một cô vợ rất thông minh. Biết anh chồng mình lười việc nhà, nhưng là người có sĩ diện. Vợ gọi chồng lại bảo:

– Anh này, em biết anh cũng rất muốn giúp việc nhà cho em, chia sẻ khó khăn với em, nhưng có nhiều lý do khiến anh ngại. Thôi em cho anh được quyền lựa chọn nhé.

– Ố kề!

– Rửa chén và lau nhà, anh chọn cái nào?

– Lau nhà.

Nói xong anh chồng rất vui vẻ cầm chổi lau nhà. Xong việc, vợ khen ngợi rất nhiều và bảo:

Còn việc: giặt đồ và ru con ngủ, anh chọn cái nào?

– Giặt đồ

Vậy là chồng lại tiếp tục giặt đồ. Giặt đồ xong, vợ lại thì thầm:

– Chồng em làm giỏi quá, còn hai việc cuối cùng, mình chọn luôn nhé: Rửa chén và ru con ngủ, anh chọn cái nào?

– Rửa chén.

Thế là anh chồng lại chạy đi rửa chén và cảm thấy vợ mình thật giỏi phân công công việc. Rửa chén xong, anh bước vô phòng, nhìn thấy vợ đang ngủ với con. Lúc này anh mới nhìn một vòng quanh nhà,. Anh lẩm nhẩm:

– Lau nhà
– Giặt đồ
– Rửa chén
… Á đu, mình đã bị lừa😫

Bực lắm, nhưng anh vẫn vui vì trên hết là cảm giác nể phục cô vợ thông minh lém lỉnh của mình.

Các bạn thân mến, Chiến lược 2 Lựa chọn luôn phát huy tác dụng thôi miên của nó, không chỉ trong việc thực hiện một cuộc hẹn, mà nó còn trong đàm phán, kinh doanh. Nhưng chắc có bạn sẽ hỏi:

NẾU TÔI ĐƯA RA NHIỀU LỰA CHỌN HƠN NỮA THÌ SAO?

Nếu bạn đưa ra quá nhiều lựa chọn lại phản tác dụng. Khi có 2 lựa chọn, người ta sẽ chọn một trong hai. Khi có 3 lựa chọn trở lên, người ta bắt đầu phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra được lựa chọn của mình. Nói đơn giản, càng nhiều lựa chọn thì càng khó chọn. Hãy tưởng tượng, một ngày nào đó bạn bước về nhà, nhìn trên tường, có đến 3 chiếc đồng hồ và mỗi chiếc lại hiển thị một giờ khác nhau. Liệu bạn có biết bây giờ là mấy giờ?

Tương tự như vậy, nếu bạn nói: “Bữa nào rảnh cafe nhen”. Nó cũng giống như việc treo 3 chiếc đồng hồ vậy. Vì có quá nhiều lựa chọn đến nỗi người ta đã không thể chọn được một bữa nào cụ thể! Đó là lý do buổi hẹn đã không diễn ra.

Trong hoạt động giao tiếp, một cuộc hẹn hò dù ngắn ngủi nhưng mang lại rất nhiều hiệu quả cho công việc, đó cũng là cơ hội bạn được học hỏi, và mở rộng tầm hiểu biết cũng như xây dựng mối quan hệ tình cảm cho mình. Vì vậy, hãy học cách thực hiện một cuộc hẹn từ những bước cơ bản nhất.

Đây cũng là một công thức khá đơn giản nhưng tỏ ra rất hiệu quả mà tôi vẫn sử dụng trong các cuộc gặp gỡ của mình, bạn cứ thử đi, sẽ thấy ngay mà!

Tác giả Huỳnh Minh Thuận

All in one