Mặc kệ nó, làm tới đi – Phần 4 đến 9

Mặc kệ nó, làm tới đi hay Kệ mẹ nó, làm tới đi

Phần 4: Thách thức bản thân

Nếu thách thức chính mình, bạn sẽ trưởng thành, cuộc đời bạn sẽ thay đổi. Chính các thách thức đã đưa chúng ta từ những kẻ ăn lông ở lỗ đến chỗ chạm tới các vì sao. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã làm với những thách thức. Trước một thách thức, mẹ tôi thường động viên tôi: “Con làm được mà, Ricky!” và bà không bao giờ nói “không thể”.

Lúc 5 tuổi, trong kỳ nghỉ hè, về miền biển nghỉ mát, trước các con sóng biển vươn rất cao, tôi nhìn những cơn sóng với vẻ thèm muốn. Cô Joyce bảo: “Cô sẽ tặng cháu 10 Siling khi cháu biết bơi”. Ngày qua ngày tôi bì bõm trên biển, uống hàng lít nước biển nhưng vẫn chưa biết bơi, thật là chán nản!

Mùa hè năm sau, trên đường về nhà, nhìn thấy một dòng sông, tôi xin ba tôi dừng xe lại, sông có vẻ sâu và chảy xiết, tôi tìm đoạn dốc đầy bùn, cạn và nhảy xuống, từ đó khi ra giữa sông, tôi bị chìm, sặc nước, tôi ngoi lên, không biết bằng cách nào tôi hít một hơi thật sâu và đã nổi được, tôi bì bõm thành một vòng tròn. Tôi đã bơi được. Cả nhà cười rạng rỡ và cô Joyce đưa tôi 10 siling.

Thời đi học, có một việc tôi không thể làm tốt đó là đọc. Dù cố gắng thế nào thì đọc và viết vẫn rất khó khăn đối với tôi. Khi nhà trường tổ chức một cuộc thi viết luận, tôi bèn tham gia. Điều làm mọi người ngạc nhiên là tôi đã thắng trong cuộc thi đó. Từ đó tôi tự tin, tôi tập trung vào các từ khó và luyện phát âm tốt hơn, việc học tập của tôi có tiến bộ. Việc đoạt giải cuộc thi luận đã thúc đẩy tôi gầy dựng tạp chí Student.

Nhà văn James Ullman nói: “Thử thách là cốt lõi và động lực chính trong mọi hành động của con người. Nếu có đại dương, chúng ta sẽ vượt qua nó. Nếu có núi cao, chúng ta sẽ chinh phục nó. Nếu có bệnh tật, chúng ta sẽ chữa được nó”.

Mặc kệ nó, làm tới đi hay Kệ mẹ nó, làm tới đi
Mặc kệ nó, làm tới đi hay Kệ mẹ nó, làm tới đi

Phần 5: Đứng trên đôi chân của chính mình

Thế hệ ba mẹ tôi đã trải qua hai cuộc chiến tranh, vì thế từ nuông chiều không có trong từ điển của họ. Cho nên, họ đã dạy chúng tôi hãy biết đứng vững trên đôi chân của chính mình.

Bài học đầu tiên tôi thực hành lúc 4 tuổi, chúng tôi đang trên đường về nhà, còn cách nhà vài cây số, mẹ tôi dừng xe rồi bảo tôi phải tự tìm đường về nhà qua các cánh đồng, đó là thử thách đầu tiên trong đời tôi không bao giờ quên.

Càng lớn, những bài học này càng khắc nghiệt hơn. Năm 12 tuổi, vào một buổi sáng, sau khi ăn sáng xong, mẹ đưa cho tôi hộp cơm và một quả táo cho bữa trưa. “Chắc con sẽ tìm được nước uống trên đường”, mẹ tôi vẫy tay tạm biệt khi tôi khởi hành chuyến đi 24 cây số bằng xe đạp tới bờ biển phía nam. Mẹ tôi không quên đưa tôi tấm bản đồ phòng khi bị lạc. Tôi phải ngủ qua đêm tại nhà một người họ hàng và về nhà vào ngày hôm sau.

Những bài học như vậy ngày càng nhiều vì bố mẹ muốn chúng tôi trở nên mạnh mẽ và tự lực cánh sinh.

Ở nhà, bố mẹ tôi không giấu chúng tôi bất cứ điều gì đang diễn ra, chúng tôi thường nói chuyện kinh doanh trong buổi tối, chúng tôi biết thế giới thực sự là như thế nào, em tôi và tôi đã giúp mẹ tôi nhiều kế hoạch kiếm tiền rất thú vị. Qua những bài học đó tôi đã có thói quen tin tưởng vào bản thân và mục tiêu của chính mình.

Năm 1986, Virgin đã là công ty lớn mạnh, doanh thu tăng 60% mỗi năm, tôi được khuyên nên cổ phần hóa công ty, mặc dù không muốn lắm nhưng tôi phải chấp nhận. Virgin đã thu hút đông đảo công chúng, vượt hẳn bất kỳ sự ra mắt của thị trường chứng khoán nào.

Sau đó, thị trường chứng khoán sụp đổ khiến cổ phiếu tụt giá nhanh chóng, mặt dù không phải lỗi của tôi nhưng tôi cảm thấy mọi người đang thất vọng. Tôi quyết định mua lại tất cả cổ phiếu với giá mọi người đã trả cho chúng – mặc dù không cần thiết phải làm như vậy – 182 triệu bảng đủ để giữ lại sự tự do, danh tiếng và cá tính của tôi. Virgin trở lại thành một công ty tư nhân, tôi cảm thấy nhẹ nhõm.

Phần 6: Sống trong hiện tại

Năm 1997, tôi cùng Per và Alex thực hiện chuyến du hành bằng khinh khí cầu quanh thế giới. Chuyến bay gặp rất nhiều nguy hiểm, có lúc tình thế cận kề với cái chết, tôi ao ước thoát chết và nếu thoát được tôi sẽ không bao giờ làm việc này nữa.

Tuy nhiên, thử thách là thứ tôi không thể cưỡng lại được. Năm 1998, tôi tiếp tục thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu từ Marrakech qua dãy Atlas rồi qua Libya. Đại tá Qaddfi cấm không cho chúng tôi bay qua nước ông, qua điện thoại, tôi xin ông châm chước, chúng tôi bay qua Afghanistan, vượt đỉnh Everest, qua Trung Quốc, vượt Thái Bình Dương. Tôi nghĩ thật là quá đủ cho một người trong cuộc đời với những trải nghiệm tuyệt vời đến vậy. Trước khi đến Hawaii, chúng tôi rơi xuống biển, lại được máy bay trực thăng cứu sống. Tôi gặp lại gia đình và bạn bè thân thiết. Lạy chúa, đây là một bữa tiệc thật hoàn hảo.

Bà tôi là người luôn sống hết mình, ở tuổi 89 bà thắng cuộc thi khiêu vũ Mỹ Latinh nâng cao. Năm 90, tuổi bà trở thành người già nhất đánh golf trúng lỗ với chỉ một lần đánh. Năm 99 tuổi, bà đi bằng tàu thủy vòng quanh thế giới. Bà tôi bảo: “Chúng ta chỉ có một cuộc đời, vì vậy phải tận hưởng nó thật trọn vẹn”. Bố mẹ tôi cũng vậy, dù ở tuổi 80 họ vẫn đều đặn đi du lịch vòng quanh thế giới. Tấm gương của họ nhắc nhở tôi phải luôn luôn tận hưởng cuộc sống.

Nhiều người luôn nhìn về phía trước, và dường như họ chẳng bao giờ hài lòng. Riêng tôi, dù kế hoạch những tháng tới trong cuốn sổ ghi nhớ của tôi đã kín đặc, nhưng tôi đã học được cách sống cho hiện tại.

Phần 7: Trân trọng gia đình và bè bạn

Dù đã được dạy phải đứng trên đôi chân của mình, nhưng tôi sẽ lạc lối nếu không có gia đình và những người bạn trung thành.

Khi Nik đến xem chúng tôi làm tạp chí Student, anh rất sửng sốt khi thấy chúng tôi quản lý tiền bằng chiếc hộp bánh bích quy. Biết anh rất giỏi về quản lý tiền bạc, tôi thuyết phục anh bỏ học cùng chúng tôi gây dựng tờ tạp chí. Nik đã lấy tiền từ hộp bánh bích quy gửi vào một tài khoản ngân hàng và giúp chúng tôi phân phối báo hiệu quả hơn. Sau đó vì một bất đồng, Nik xin nghỉ việc tiếp tục học đại học, nhưng chúng tôi vẫn là bạn bè.

Khi hãng đĩa Virgin ra đời và phát triển, Nik đã trở lại với chúng tôi không một chút oán giận gì. Bài học tôi đã học được là hãy thẳng thắn, giải quyết bất hòa một cách thân thiện trước khi nó trở thành nghiêm trọng.

Tôi ước mơ một ngôi nhà gần Oxford để làm nơi thu âm cho các ban nhạc. Mặc dù đã vay được ngân hàng 20.000 bảng nhưng vẫn còn thiếu tiền. Bố mẹ tôi cho phép tôi rút tài khoản tiết kiệm mà bố mẹ dành cho tôi, sau đó bố tôi giới thiệu với cô Joyce để tôi vay thêm cho đủ.

Nếu không có sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè thì những ước mơ của tôi khó trở thành hiện thực. Mỗi chúng ta đều cần một mạng lưới ủng hộ vững chắc, đó là gia đình và bạn bè thân thiết. Hãy trân trọng họ, họ là một phần của sự nghiệp của chúng ta.

Phần 8: Biết tôn trọng

Một lần phải đi họp, tôi bị muộn giờ nên vớ lấy đống giấy tờ cần thiết và nhảy lên một chiếc taxi, ý định thời gian ngồi taxi tôi sẽ xem mớ tài liệu để chuẩn bị cho cuộc họp.

Trên đường, anh tài xế la lên: “Ah! Tôi biết ông. Ông là Dick Branson, chủ một hãng đĩa”. “Vâng, đúng vậy”, tôi nói. Anh tài xế tiếp tục nói không nghỉ: “Tôi rất hân hạnh chở ngài Branson, tôi đang chơi trống cho một ban nhạc, ông có muốn nghe bản thu âm thử của tôi không, trông ông có vẻ mệt, hãy ghé nhà mẹ tôi gần đây uống trà…”.

Tôi rất khó chịu nhưng không muốn bất lịch sự, cố gắng lắng nghe rồi ấp úng: “Cám ơn”. Tay lái xe chính là Phil Collins, một ca sĩ nổi tiếng. Tôi đã được dạy một bài học là luôn quan sát, lắng nghe và cư xử lịch sự quan trọng như thế nào.

Năm 1971, Virgin nổi tiếng vì bán những đĩa nhạc hay với giá rẻ. Tôi nhận được đơn đặt hàng từ Bỉ, không phải đóng thuế khi xuất khẩu đĩa nhạc qua Bỉ. Tôi trực tiếp mua đĩa nhạc miễn thuế từ những hãng đĩa lớn như EMI, chở phà qua Pháp rồi lái xe đến Bỉ. Khi đến Pháp, hải quan Pháp kiểm tra giấy tờ, đóng dấu và bắt nộp thuế, tôi tranh cãi không được và không muốn đóng thuế nên đành chở hàng về. Tôi nghĩ, mình có thể bán chúng tại các cửa hàng nhạc Virgin cũng thu được lợi nhuận 5.000 bảng. Làm như vậy là phạm luật, nhưng tôi nghĩ mình đang lách luật một chút và lợi dụng tình huống xảy ra không do lỗi của mình.

Vì tham lam, tôi thực hiện đến chuyến thứ tư, cứ chở hàng đến Pháp, đóng dấu hải quan rồi quay về. Hải quan đã theo dõi nên đã vào các cửa hàng của tôi khám xét, tôi vô cùng sốc khi bị bắt, giải về Dover và giam tù.

Mẹ tôi đến thăm, mẹ nói: “Mẹ biết là con đã học được một bài học, Ricky. Chuyện đã qua, có tiếc cũng chẳng ích gì. Chúng ta phải đứng dậy và đối mặt với chuyện này”.

Thay vì ra tòa, chúng tôi bị phạt một số tiền lớn. Mẹ tôi đã cầm cố ngôi nhà giúp tôi, niềm tin của bà dành cho tôi quá lớn.

Danh tiếng là tất cả. Nếu bạn đang khởi nghiệp và hỏi xin tôi một lời khuyên, tôi sẽ nói: “Luôn công bằng trong mọi việc. Đứng gian lận. Đừng làm gì khiến bạn ban đêm phải mất ngủ và hãy đặt mục tiêu chiến thắng”.

Phần 9: Chủ nghĩa tư bản Gaia

Từ 1972, James Lovelock bắt đầu xây dựng một giả thuyết về hành tinh của chúng ta gọi là “học thuyết gaia”. Gaia hiện thân cho Mẹ Trái đất như cội nguồn của mọi thực thể sống lẫn vô tri vô giác.

Mẹ Trái đất dịu dàng nuôi nấng chúng ta nhưng cũng tàn nhẫn không thương xót. Hành động của con người ở một nơi trên hành tinh không hề tách biệt và nó ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh. Phá rừng, khí thải cacbon ngày càng tăng, trồng trọt ô nhiễm…, tất cả đều tác động lên hành tinh của chúng ta.

Chúng tôi quyết định thay đổi đường lối vận hành của Virgin trên toàn cầu, chúng tôi gọi cách tiếp cận kinh doanh này là chủ nghĩa tư bản của Gaia, nó sẽ giúp Virgin tạo nên sự khác biệt thực sự và không phải hổ thẹn. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ để ngăn chặn thảm họa môi trường thì nhân loại sẽ đối mặt với sự diệt vong.

Nếu mỗi cá nhân trên thế giới thay đổi một chút cách sống của mình trên tinh thần nể trọng Mẹ Trái đất thì sẽ tạo nên một làn sóng khổng lồ để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.

>> Kệ mẹ nó làm tới đi – Phần 10 đến 14

One thought on “Mặc kệ nó, làm tới đi – Phần 4 đến 9

  1. Pingback: Mặc kệ nó, làm tới đi hay Kệ mẹ nó, làm tới đi

Comments are closed.

All in one