10 điểm cần có ở một Mentor

Mentoring là gì?

Mentoring (cố vấn) đại diện cho một mối quan hệ mang tính phát triển, trong đó, mentor (người cố vấn) giám sát và hỗ trợ sự phát triển công việc kinh doanh/sự nghiệp của mentee (người được cố vấn) thông qua các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ và đồng thời nâng đỡ hoặc đỡ đầu.

Mentoring liên quan đến việc hỗ trợ một người nào đó phát triển về mặt sự nghiệp và cá nhân. Mentormentee đạt được điều này qua việc xây dựng và duy trì mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau.

Ví dụ: một trong những người mentor của Steve Jobs (sáng lập viên & CEO Apple) là Thiền sư Kobun Chino Otogowa. Ảnh hưởng của vị Thiền sư này lên Steve Jobs có thể thấy rõ qua triết lý tối giản trong các thiết kế của sản phẩm Apple. Thiền sư Kobun Chino Otogowa hiện diện ở những sự kiện quan trọng mang tính cá nhân trong cuộc đời Steve Jobs. Mối quan hệ giữa hai bên kéo dài hơn 20 năm đến khi Thiền sư Kobun Chino Otogowa qua đời.

Mentoring khác gì với coaching (huấn luyện)?

Huấn luyện là nhằm đạt được kỹ năng hay kiến thức nhất định. Cá nhân làm việc với chuyên gia huấn luyện để đảm bảo họ có được kỹ năng hoặc kiến thức cụ thể. Trọng tâm chính là công việc mang tính chuyên nghiệp, không phải cá nhân. Trong nhiều chừng mực, huấn luyện viên cũng giống như vai trò người giáo viên.

Ví dụ: người chủ doanh nghiệp thuê chuyên gia huấn luyện cho mình và nhóm nhân sự nòng cốt cách thức áp dụng quy trình bán hàng vào doanh nghiệp của mình. Khi kết thúc quá trình huấn luyện, chủ doanh nghiệp và nhóm nhân sự của mình biết cách tự mình vận hành quy trình bán hàng mà không cần sự hướng dẫn, hỗ trợ, cầm tay chỉ việc của chuyên gia này nữa.

Tóm lại, cố vấn tập trung vào phát triển cá nhân, huấn luyện tập trung vào phát triển kỹ năng.

10 điểm cần có ở một Mentor

Khái niệm mentor ở Châu Âu đã có từ thời cổ Hy Lạp chứ không phải mới xuất hiện gần đây. Như Aristotle là thầy và cũng là mentor của Alexander Đại đế. Nhưng chỉ tới những năm 1970 thì khái niệm này mới thâm nhập Mỹ và ngay lập tức nó được coi là một “làn sóng cải tổ trong ngành quản lý doanh nghiệp” của Mỹ. Nếu được thực hành đúng cách, phương pháp này giúp chủ doanh nghiệp tiếp cận được với những thực tế kinh doanh và những kỹ năng cần có nhất để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Vậy người làm mentor cần có những tính cách gì để có thể hỗ trợ cho các mentee một cách tôt nhất?

Từ những lần làm mentor đầu tiên, tôi đã thấy việc này không dễ dàng. Cụ thể thì để làm mentor đúng nghĩa theo tiêu chuẩn của một số chuyên gia, sẽ phải thỏa mãn nhiều điều kiện:

1. Có kinh nghiệm: thường thì mentor có tuổi đời hoặc tuổi nghề lớn hơn người làm mentee.Ngày nay công nghệ phát triển nên việc một người lớn tuổi nhờ một người làm mentor cho mình là chuyện rất bình thường. Do người mentor này có thời gian tập trung vào lĩnh vực hẹp của họ.

2. Tính cách – Người làm mentor nên là người có tính cách khiến ngời mentee kính trọng. Thậm chí từ công việc, có nhiều người mentee cố gắng học theo cách sống và tư duy của người làm mentor vì đó là những cá nhân có tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng và tích cực.

3. Có cùng mục tiêu – việc này gia tăng cơ hội thành công của người được tư vấn và chỉ bảo. Đơn giản vì khi đó mentee rút ngắn thời gian mà họ tiếp cận, làm quen và xử lý nhuần nhuyễn các vấn đề gặp phải trong thực tế, nâng cao hiệu suất mà giảm thiểu nguy cơ không thành công.

4. Có sẵn thời gian: Người chỉ đạo và hỗ trợ dù là tinh thần hay kiến thức hoặc kỹ năng cho chủ doanh nghiệp luôn cần phải có thời gian mới làm được việc đó. Dù có giỏi tới đâu mà họ bận quá thì việc này cũng không thành.

5. Tư duy mở và sẵn sàng đổi mới – Bạn cần có người có tư duy cởi mở vì có thế họ mới thúc đẩy bạn đi theo con đường phù hợp với chính bạn chứ không gò bạn vào những quy chuẩn lạc hậu, cổ lỗ.

6. Có sự quan tâm – Ngoài kỹ năng công việc thì việc mentor có mối quan hệ gắn kết gần gũi với mentee là một điểm cộng lớn. Họ sẽ theo sát học trò của mình và thúc đẩy người đó thành công. Sự động viên mang tính tinh thần và tình cảm nhiều lúc còn giá trị hơn cả hỗ trợ về kiến thức.

7. Tính lạc quan – Không phải cuộc đời lúc nào cũng dễ dàng, mentor cần luôn tích cực để học trò của họ cũng tích cực theo để đối mặt hiệu quả với những thách thức của thị trường. Liên tục gặp và tiếp xúc với tinh thần lạc quan tích cực sẽ thúc đẩy họ rất nhiều.

8. Tập trung – Mentor cần tập trung vào cá nhân của mentee, vào những gì anh ta có thể đạt được và sau cùng là giúp anh ta tập trung vào công việc của chính mình. Một mentor kinh nghiệm nhiều năm sẽ chỉ thẳng cho mentee mới startup của mình hiểu phải làm gì, tập trung vào đâu khi bắt đầu công việc mà ông ấy đã có kinh nghiệm làm cả 20 năm nay.

9. Tin tưởng vào mentee – Người tư vấn phải là người tin tưởng vào kỹ năng hoặc khả năng của người mà mình hỗ trợ. Vì nếu không tin tưởng thì họ sẽ không dùng hết năng lực và kiến thức của họ trong chuyện hỗ trợ. Không ai có lợi trong hoàn cảnh đó và cả hai đều mất thời gian mà không được việc gì.

10. Cởi mở và trung thực – Mối quan hệ sư phụ đệ tử này chỉ có thể mang lại lợi ích lớn nhất khi cả hai cùng chia sẻ được cùng nhau kinh nghiệm và thông tin, thậm chí là những thông tin mà mentee chỉ chia sẻ với người ruột thịt của họ. Sự cởi mở và chân thành giúp gây dựng niềm tin giữa hai bên và gắn kết họ chặt chẽ hơn.

Tất nhiên rất khó tìm được một mentor có thể thoả mãn hết tất cả những yêu cầu nói trên. Chúng ta phải linh hoạt để chọn ra người phù hợp nhất với mình và doanh nghiệp của mình.

Nguồn: Đỗ Xuân Tùng

All in one