1000 ngày chạy marathon của Phật sống Nhật Bản

Dép cói, đôi giày của nhà sư trong 1000 ngày chạy marathon. Ảnh: M Yorke

Rải rác trên ngọn núi thiêng Hiei, đông bắc Kyodo, là những ngôi mộ không tên của các nhà sư Phật giáo phái Tendai thất bại trong hành trình 1000 ngày chạy marathon tìm giác ngộ.

Theo nhà nghiên cứu tâm lý học hành vi James Clear, hành trình khiến nhiều người phải bỏ mạng này có tên gọi Kaihogyo, hay còn được gọi là “cuộc marathon của các nhà sư“.

Sư thầy Genshin Fujinami, một trong số ít người hoàn tất khóa tu 1.000 ngày của những người theo đạo Phật phái Tendai. Ảnh: STF
Sư thầy Genshin Fujinami, một trong số ít người hoàn tất khóa tu 1000 ngày chạy marathon của những người theo đạo Phật phái Tendai. Ảnh: STF

Thử thách ‘hư không’

Ông Clear cho biết, Kaihogyo là một khóa tu thử thách diễn ra khoảng 1000 ngày trong 7 năm. Ba năm đầu, mỗi năm nhà sư phải chạy 30 km mỗi ngày trong liên tục 100 ngày. Đến năm thứ 4 và thứ 5, thời gian chạy tăng lên 200 ngày liên tục. Hoàn thành năm thứ 5, nhà sư phải đi bộ 9 ngày liên tục mà không được ăn uống hay ngủ nghỉ, lúc này, sẽ có hai người đi cùng để đảm bảo người tham gia thử thách không chìm vào giấc ngủ.

Sang năm thứ 6, nhà sư phải chạy 60 km mỗi ngày trong 100 ngày liên tiếp. Thử thách tăng lên thành 84 km mỗi ngày trong 100 ngày liên tục vào năm thứ 7. Cuối cùng, để kết thúc, nhà sư phải chạy 30 km mỗi ngày trong 100 ngày liên tục.

Trong 130 năm qua, chỉ có 46 người hoàn thành khóa tu Kaihogyo trong hành trình đi tìm cảnh giới giác ngộ. Người thành công sẽ được tôn kính như Phật sống. Câu chuyện của Clear làm dấy lên sự tò mò của Adharanand Finn, phóng viên báo Guardian. Anh tìm cách gặp một nhà sư đã hoàn tất khóa tu và thuật lại chuyến đi.

Phóng viên Finn cùng Max, người bạn giúp anh phiên dịch, leo lên ngôi chùa ở phía bắc Kyoto để gặp người phụ nữ từng được diện kiến một trong những vị Phật sống. Bà nói rằng, ông đi dép cói chạy bộ. Bà từng gặp ông trong ngày cuối cùng của khóa, và tưởng rằng sẽ nhìn thấy đôi chân ông sưng phồng đau đớn.

“Thế nhưng chúng rất mềm mại và sạch sẽ”, bà nói. “Cứ như thể ông bay trên mặt đất vậy”. Bà cho biết, vào ngày cuối cùng của khóa tu, nhà sư sẽ bước vào căn phòng tối tăm trong 9 ngày, không có thức ăn, nước uống, cũng không được phép ngủ, nhằm mục đích đưa cơ thể đến điểm cận tử. Khi hoàn tất thử thách này, họ sẽ được trao danh hiệu Daigyoman Ajari, nghĩa là Bậc thầy đắc đạo, và là người duy nhất được phép đi giày trước mặt nhà vua.

Một chú tiểu ở chùa nói với Finn rằng, chuyến đi nhằm xả tâm trí, cơ thể, khiến tất cả mọi thứ biến mất. “Khi anh là hư không, thì sẽ có thứ gì đó ùa đến, lấp đầy không gian”. Đó là ý thức rộng lớn, ẩn dưới bề mặt của sự sống, là cảm giác đồng nhất với vũ trụ.

Finn hỏi người phụ nữ về truyền thuyết nếu nhà sư không hoàn tất khóa tu, hoặc bỏ cuộc giữa chừng, họ phải tự sát. Bà nói không biết, có thể đúng, mà cũng có thể sai. Có quá nhiều bí mật xung quanh khóa tu này. Finn nhờ bà chuyển lời tới sư thầy, anh mong ngóng được gặp ngài và nhiều tháng sau, nguyện vọng mới được chấp nhận.

Cuộc gặp với ‘Phật sống’ với 1000 ngày chạy marathon

Finn và bạn đến đón người phụ nữ nọ, cùng một người bạn của bà, lái xe ra khỏi Kyoto, đến vùng ngoại ô rồi dừng lại trước một vài tòa nhà mang kiến trúc truyền thống. Đây là nơi nhà sư họ muốn gặp sinh sống. Điều này trái ngược với tưởng tượng của Finn về một ngôi chùa chênh vênh trên núi, lẩn khuất trong mây.
1000-ngay-chay-marathon-cua-phat-song-nhat-ban-1

Dép cói, đôi giày của nhà sư trong 1000 ngày chạy marathon. Ảnh: M Yorke
Dép cói, đôi giày của nhà sư trong 1000 ngày chạy marathon. Ảnh: M Yorke

Họ dừng xe cạnh một gara chất đầy chậu sơn và ván gỗ. Một người đàn ông lực lưỡng tiến bận đồ thể thao tới mở cửa xe. Đó chính là nhà sư. Họ theo ông băng qua khoảnh sân nhỏ.

“Trước tiên, ông ấy sẽ làm lễ”, bạn của bà kia giải thích, chỉ cho Finn danh sách cầu nguyện. Trên một bức tường in danh sách những lời thỉnh cầu, từ thi đỗ đại học, đến xin được việc làm. Cuối cùng, Finn cầu xin gia đình mạnh khỏe.

Nhà sư thay bộ thể thao bằng tăng phục màu trắng. Ông trèo lên bàn, ngồi kiết già và bắt đầu tụng kinh, bằng thứ tiếng Nhật cổ trầm bổng. Mãi sau, Finn mới nghe loáng thoáng tên mình. Buổi lễ kết thúc, nhà sư vào phòng ngồi tiếp chuyện vị khách phương Tây.

“Anh muốn biết gì nào”, ông hỏi, ngồi xuống cạnh Finn. Anh có cảm giác ông đang mong đợi mình hỏi điều gì đó ngu ngốc. Finn hít nhẹ, cảm thấy cần phải đưa ra một câu hỏi sâu sắc, gây ấn tượng với ông bằng vốn hiểu biết của mình về khóa tu và con đường giác ngộ.

“Tôi muốn biết tại sao lại phải chạy”, Finn bắt đầu hỏi.

Toàn bộ khóa tu 1.000 ngày, không phải để chạy, nhà sư giải thích. Trên đường đi, mỗi ngày ông phải dừng lại ở 250 đền chùa. Chạy chỉ là cách đi từ chùa này sang chùa khác. Mà nói đúng ra, ông cũng không chạy, phần lớn thời gian ông đi bộ.

“Nhưng tại sao”, Finn hỏi. “Tại sao lại phải là con số 1.000 ngày?” Nhà sư trầm ngâm một lát, rồi khẽ trả lời.

“Chúng ta đều tự hỏi: ‘Tại sao mình tồn tại?'”, ông nói.”Việc di chuyển liên tục trong 1.000 ngày cho anh nhiều thời gian suy nghĩ về câu hỏi này, để nhìn nhận lại cuộc đời. Đó là một loại thiền định thông qua chuyển động. Do đó không được đi nhanh quá”.

“Thế khi hoàn tất khóa tu”, Finn nói, “ông đã tìm thấy câu trả lời chưa, tại sao chúng ta tồn tại?” Anh chờ đợi được nghe về cảm giác của một người thấu hiểu sự hợp nhất của vũ trụ, người đạt tới cảnh giới giác ngộ.

“Chẳng thể nào biết được đâu là nơi mọi thứ ngừng lại”, ông trầm tĩnh nói. “Cuộc sống là sự học không ngừng. Một khi tốt nghiệp đại học, anh vẫn phải học tiếp. Thử thách 1.000 ngày không phải là điểm kết thúc, thách thức vẫn còn đó, nên tận hưởng cuộc sống, và học thêm điều mới”.

Câu trả lời của nhà sư khiến Finn vô cùng ngạc nhiên. Người mà anh cứ nghĩ là đã đạt đến cảnh giới của giác ngộ, một vị Phật sống, chỉ đơn giản nói rằng 1.000 ngày đó là thời gian lý tưởng để suy ngẫm, và rồi, cuộc sống lại tiếp tục như cũ.

Câu hỏi về bất ngờ Công nương Diana

“Nó giống như Công nương Diana vậy”, ông nói. “Cho dù bà ấy thuộc những người có địa vị cao nhất trong xã hội Anh, nhưng bà cảm thấy có ích khi giúp đỡ nạn nhân trúng bom mìn”.

Thế rồi ông hỏi một câu khiến Finn ngớ người.

“Thế mọi người nghĩ gì?”, ông hỏi, nghiêng người về phía trước, nhìn Finn chăm chú. “Có phải thực sự đó là vụ tai nạn không? (Công nương Diana qua đời năm 1997 trong một vụ tai nạn xe hơi ở Paris) Tôi đã xem một chương trình truyền hình về vụ tai nạn, họ đưa ra vài thuyết âm mưu đằng sau tai nạn, rằng bà ấy bị ám sát. Anh nghĩ sao?”

“Tôi không rõ”, Finn lắc đầu, ngạc nhiên khi biết rằng ngay cả vị tu sĩ đắc đạo đang ngồi trước mặt anh cũng xem truyền hình và bàn tán về cái chết của Công nương Diana. Rõ ràng là suy nghĩ thầy tu phải khác với người thường, thoát khỏi xiềng xích và ham muốn trần tục, khác xa so với thực tế.

Khi biết điều này, có thể độc giả sẽ nghĩ sang hai hướng. Một mặt, có thể thất vọng, rằng người giám hộ tinh thần của thế giới đang ngồi xem tin nhảm nhí trên tivi. Hoặc là, chúng ta cảm thấy an ủi vì nếu nhà sư cũng giống chúng ta, thì có lẽ chúng ta cũng giống họ. Họ cũng có điểm yếu, nhưng vẫn đạt được sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống, thì có lẽ chúng ta cũng có thể có được trí tuệ giống họ.

Nhà sư nói rằng, ông có xem một chương trình truyền hình về quá trình tập luyện marathon, cảm thấy được cổ vũ vì họ cũng có lúc chán nản trong lúc tập.

“Điều này cũng giống tôi”, nhà sư nói. “Thỉnh thoảng tôi cũng nản chí, do đó, thật hay khi biết được không chỉ mình tôi nản chí”.

Finn cảm thấy kỳ lạ, một người từng qua được thử thách 1000 ngày chạy marathon khắc nghiệt, lại tìm kiếm sự an ủi khi nhìn thấy người khác gặp khó khăn, và cũng đưa ra những câu hỏi giống với người bình thường.
1000-ngay-chay-marathon-cua-phat-song-nhat-ban-2

Nhà sư chụp ảnh cùng Finn. Ảnh: Guardian
Nhà sư chụp ảnh cùng Finn. Ảnh: Guardian

“Tôi bảo này”, nhà sư nói, như thể đọc được suy nghĩ của Finn. “Ai cũng muốn tìm được thứ vừa vặn với mình, với cơ thể mình, với những việc đang làm trong cuộc sống. Tôi chọn cách hoàn thành khóa tu, nhưng đó chỉ là một trong nhiều con đường khác nhau, để đưa chúng ta tới cùng một nơi”.

Thể thao ở Nhật Bản là một cách hoàn thiện bản thân, nhiều môn truyền thống như judo (nhu thuật) và kendo (kiếm đạo), đều có hậu tố là “-do”, nghĩa là “đạo” hay “con đường”. Do đó, chạy, cũng là một cách tự hoàn thiện. Nó đơn thuần là cách giải phóng tâm trí mà ít hoạt động khác có được. Vì khi đôi chân bắt đầu nặng nề và mệt mỏi, ý chí bắt đầu lung lay, nếu vượt qua được, thì cơ thể sẽ nhẹ bẫng, mạnh mẽ và hòa làm một với Trái Đất.

Tuy nhiên khoảnh khắc giác ngộ đó, không phải là điểm tất cả mọi thứ dừng lại, và bạn sống mãi trong ánh hào quang hạnh phúc, nhà sư nói. Thế giới luôn vận động, thúc đẩy bạn mỗi ngày, bất kể bạn là Bậc thầy đắc đạo trên núi Hiei hay kế toán trong văn phòng ở Hounslow. Sâu thẳm trong chúng ta, luôn thôi thúc ta muốn tìm lại cảnh giới đó lần nữa. Đó là lúc cột dây giày lên, và bắt đầu một cuộc marathon khác.

Theo VnExpress.net

One thought on “1000 ngày chạy marathon của Phật sống Nhật Bản

  1. Pingback: Hoàn thành 365 cuộc chạy marathon trong 365 ngày

Comments are closed.

All in one