Một banner quảng cáo trên báo điện tử nhưng có nội dung hữu ích sẽ là Inbound hay Outbound Marketing?

“Một banner quảng cáo trên báo điện tử nhưng giới thiệu về một nội dung hữu ích thì sẽ được phân loại là Inbound hay Outbound Marketing?”, “Cùng một nội dung Email nhưng lúc này thì được xếp là Inbound, nhưng khi khác lại bị xem là Outbound Marketing?”…  là những câu hỏi điển hình khi nhắc tới Inbound Marketing.

Trong giới hạn của tác giả, bài tổng hợp này không chỉ giúp trả lời những câu hỏi cụ thể ở trên, mà còn đi xa hơn bằng việc xây dựng một quan điểm toàn diện về Inbound Marketing trước những băn khoăn “Inbound Marketing là gì?“, “Inbound Marketing và Outbound Marketing khác nhau ra sao?”, “Tại sao nhắc tới Inbound Marketing là nhắc tới Hubspot”,… bằng việc phân tích quan điểm đa chiều của các chuyên gia. Từ đó, minh định một cách nhất quán về vị trí của Inbound Marketing trong bức tranh Marketing tổng thể.

Inbound Marketing như được thấy

Inbound Marketing” là khái niệm lần đầu được sử dụng bởi Brian Halligan và Dharmesh Shah vào năm 2005 (Halligan & Shah, 2009), sau đó được biết đến rộng rãi với các hình thức thể hiện nội dung trên những phương tiện truyền thông tự thân của doanh nghiệp.

Đó có thể là: xuất bản bài viết trên Blog, công bố nội dung âm thanh hoặc hình ảnh dài tập (Podcast), đăng tải các đoạn Video, sách điện tử (e-Book), bản tin doanh nghiệp (e-Newsletter), cáo bạch (White Paper), thư điện tử (Email), những bài viết chuyên gia (Expert Review), chuyên trang (Landing Page) hay xa hơn là các nhóm hoạt động phức tạp nhằm tăng tiếp cận người dùng trên công cụ tìm kiếm (SEO) và mạng xã hội (Social Media) (Caragher, 2013).

Có thể nói, các hoạt động thuộc Inbound Marketing nhằm thu về sự quan tâm của người dùng (Leary, 2012), làm cho công ty dễ dàng được tìm thấy (Basu, 2011), và dẫn khách hàng tới Website (Banner, 2012), bằng việc sản xuất những nội dung gây hứng thú (Presscott, 2012).

Một banner quảng cáo trên báo điện tử nhưng có nội dung hữu ích sẽ là Inbound hay Outbound Marketing? Nếu còn mông lung kiểu đó, marketer nhất định phải đọc bài viết này - Ảnh 1.

Trong bức tranh tổng thể các hoạt động truyền thông và quảng cáo, Inbound Marketing là hướng tiếp cận trái ngược với nhận thức truyền thống về nghề Marketing, vốn thường bị khiến ấn tượng bởi những chiến dịch tiêu tiền rầm rộ nhằm mua về sự quan tâm của công chúng (Leary, 2012).

Các phương cách tiếp cận trả tiền phổ biến được biết đến theo lối truyền thống ấy, gồm có: cuộc gọi tự động (Cold-Calling), thư giấy trực tiếp (Direct Mail), thư rác điện tử (Email Spam), đài phát thanh (Radio), quảng cáo truyền hình (TV), tờ rơi, chào hàng qua điện thoại (Telemarketing), và nhiều hình thức quảng cáo truyền thống khác. Tất cả được dán nhãn đối nghịch, có tên “Outbound Marketing”.

Inbound Marketing không phải là một hoạt động mà là một phương pháp có hệ thống

Có thể nói, sự nổi lên của Inbound Marketing là một hệ quả tất yếu trong bối cảnh ngành quảng cáo trực tuyến phục hồi sau bong bóng Dot-com (1996-2000), với động lực là sự bùng nổ của mô hình kinh doanh “Web 2.0” (The Wall Street Journal, 2006). Các tổ chức và cá nhân lúc này đã có thể nhanh chóng hơn lúc nào hết, để dễ dàng xây dựng và sở hữu trọn bộ những phương tiện truyền thông cho chính mình, điều vốn đắt đỏ và phụ thuộc và mạng lưới các nhà cung cấp và đại lý trước đây. Đó là một trung tâm tin tức riêng (Website), quảng trường để buôn chuyện (Forum), một góc của bảng tin cộng đồng (Tumblr), tờ báo (Blog), đài truyền hình (Youtube), tổng đài kết nối cá nhân (Facebook),…

Mặc dù, phần lớn các hoạt động thuộc Inbound Marketing ngày nay diễn ra trên các phương tiện truyền thông trực tuyến nhưng sự thực thì Inbound Marketing đã vượt xa khía cạnh của một nhóm các phương tiện triển khai (Deater, 2018). Inbound Marketing xuất hiện trên sự thừa nhận rằng “con người đã không còn muốn bị gián đoạn bới những người làm Marketing hay bị quấy rầy bởi những người bán hàng. Họ muốn được giúp (giải quyết vấn đề)!” (Halligan & Shah, 2009). Phương pháp Marketing này là một chiến lược Marketing tổng thể với sự điều hướng của dữ liệu và đo lường, nhằm thu hút sự chú ý của các cá nhân vào thương hiệu, để rồi chuyển đổi họ thành những vị khách trọn đời (Hubspot, 2014).

Nhanh chóng sau khi ra đời, Inbound Marketing đã nhận được sự đồng thuận và ứng dụng thực tế với nhiều cách thức khác nhau dựa trên hướng tiếp cận nguyên thủy.

Leary (2012) đưa ra định nghĩa triển khai gồm ba bước: Được tìm thấy (Get found), Chuyển đổi (Convert) và Phân tích (Analyze).

Trong khi đó, Pollitt (2011) thì đề xuất mô hình năm bước: Thu hút truy cập (Attracting Traffic), Chuyển đổi người ghé thăm thành cơ hội (Convert visitors to leads), Chuyển đổi cơ hội thành đơn hàng (Convert leads to sales), Biến khách hàng thành người mang lại lợi nhuận cao hơn (Turn customers into repeat higher margin customers), Phân tích để cải tiến liên tục (Analyze for continuous improvement)

Còn với Hubspot (2019), trong định nghĩa mới nhất của mình, hãng tư vấn Marketing danh tiếng đã chỉ ra rằng Inbound Marketing là phương thức bao gồm việc Thu hút (Attracting), Tương tác (Engaging) và Hài lòng (Delighting) con người, để phát triển kinh doanh, thông qua cung cấp giá trị và xây dựng lòng tin. Bằng sự chuyển đổi công nghệ, Inbound Marketing dẫn lối một hướng kinh doanh theo cách nhân văn và hữu ích.

Một banner quảng cáo trên báo điện tử nhưng có nội dung hữu ích sẽ là Inbound hay Outbound Marketing? Nếu còn mông lung kiểu đó, marketer nhất định phải đọc bài viết này - Ảnh 2.

Sơ đồ triển khai Inbound Marketing của Hubspot chia rõ từng bước và các hoạt động Marketing cụ thể. Nguồn ảnh: Hubspot.com

All in one