Các bệnh liên quan đến chạy bộ mùa hè

Năm 2019 đã phá vỡ quá nhiều các kỷ lục về nắng nóng trong lịch sử Việt Nam.  Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, cộng thêm hiệu ứng nhà kính và nhiệt đô thị khiến thời tiết lúc 7h sáng đã nóng hừng hực. Điều đó khiến những bệnh liên quan đến nhiệt khi chạy bộ cũng gia tăng, đặc biệt là đối với những người mới chạy, cơ thể chưa thích nghi được với cường độ vận động cao. Hầu hết các bài viết chia sẻ về chạy bộ trong mùa hè đều chỉ nói về sốc nhiệt, biểu hiện và cách xử lý. Tuy nhiên, số lượng các ca gặp sốc nhiệt ít hơn nhiều so với ban nhiệt, chuột rút do nhiệt hay lả nhiệt. Do vậy, trong bài viết này tôi sẽ không chỉ nói về riêng sốc nhiệt mà muốn đưa ra một cách tổng quát những bệnh có liên quan đến nhiệt thường gặp phải (một số tài liệu dùng từ “gánh nặng nhiệt”)  cũng như khuyến nghị một số biện pháp sơ cứu/ xử lý tức thời.

            Trước khi đi vào nội dung chính, tôi cần làm rõ một điều rằng các bệnh được nói đến trong bài  không phải chỉ xảy ra với người chạy vào những ngày nắng nóng. Ngay cả trong những ngày bình thường, thậm chí mát mẻ nhưng nếu tập luyện quá sức đều có khả năng gặp phải những bệnh trên. Môi trường nắng nóng chỉ là một tác khiến tần suất và mức độ bệnh trở nên trầm trọng hơn mà thôi.

1. Ban nhiệt/ rôm sảy (Heat rash)

Triệu chứng:  Là một đám mụn màu đỏ hoặc mụn nước nhỏ, thường xuất hiện ở cổ, trên ngực, háng, dưới ngực, và ở các vùng có nếp gấp. Các nốt rộp nhỏ này trông giống như giọt mồ hôi nhỏ xuất hiện bên trên bề mặt dạ nên chúng còn có tên “bong bóng mồ hôi”. Nếu tình trạng bệnh nặng có thể sẽ xuất hiện viêm ở các lớp sâu hơn dưới biểu bì. Khi đó, các ống dẫn mồ hôi sẽ bị chặn và không thể chảy được mồ hôi nữa. Hậu quả là cơ thể sẽ mất đi cơ chế tự làm mát và nhiệt sẽ tích tụ dần trong cơ thể và có thể gây ra những bệnh trầm trọng hơn.

Hình 1: Ban nhiệt

Nguyên nhân: Nguyên nhân của phát ban nhiệt hiện chưa được xác định rõ ràng. Trong cùng điều kiện mà nó có thể xảy ra với người này nhưng không xảy ra với người kia. Tuy nhiên, nguyên nhân thường khi xảy ra ban nhiệt đó là khi tuyến mồ hôi bị bịt tắc do mặc quần áo cứng, có nhiều nếp gấp ở các vị trí như cổ, nách, háng khiến việc không khí lưu thông trở nên khó khăn, mồ hôi khó bốc hơi. Hoặc có thể do cơ địa da nhạy cảm khiến ban nhiệt xuất hiện nhiều hơn người khác. Bản thân tôi cũng thường xuyên bị bệnh ban nhiệt này. Tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cảm giác ngứa ngáy nó mang lại khá là khó chịu vì nếu gãi hoặc cào mạnh có thể khiến các mụn nước vỡ ra và gây nhiễm trùng.

Biện pháp xử lý: Thông thường thì ban nhiệt sẽ giảm bớt khi da được làm mát. Do vậy, khi chạy bộ hay tập luyện thể thao trong điều kiện nắng nóng nên mặc trang phục thoải mái, thoát mồ hôi tốt, giữ da sạch sẽ bằng cách tắm rửa thường xuyên. Đối với bản thân tôi thì bôi kem chống nắng cũng là một biện pháp hữu hiệu. Việc sử dụng kem chống nắng là khá quen thuộc với các bạn nữ nhưng đối với nam giới như chúng tôi thì cũng ít người sử dụng nhưng thực sự là nó có tác dụng (ít nhất là với bản thân tôi) trong việc ngăn chặn bệnh ban nhiệt kể cả khi tôi chạy xuyên trưa trong thời tiết nắng nóng của Hà Nội những ngày tháng 7 vừa qua.

2. Chuột rút do nhiệt ( Heat cramps)

Triệu chứng: Chuột rút do nhiệt là tình trạng co thắt không liên tục và không tự chủ của các cơ. Tình trạng này xảy ra khi bạn hoạt động thể chất (ví dụ như làm việc nặng hoặc tập thể dục) trong thời tiết nóng hoặc ẩm ướt, thường liên quan đến mất nước. Chuột rút do nhiệt thường ảnh hưởng đến các cơ chính bị căng, thường là đùi và chân (cơ tứ đầu, gân kheo và cơ sinh đôi cẳng chân), cơ bắp (thành bụng và lưng) và cơ cánh tay (bắp tay, cơ tam đầu).

Hình 2: Chuột rút do nhiệt

Nguyên nhân: Môi trường hoạt động nóng bức, cơ thể vượt qua mức giới hạn có thể điều tiết, người đang sử dụng một số loại thuốc gây ức chế điều tiết nhiệt hay giảm mồ hôi ( như các thuốc an thần, chống loạn thần, điều trị cảm lạnh…) hay uống các chất có cồn trước khi chạy có thể là những nguyên nhân khiến bạn dễ gặp hiện tượng chuột rút do nhiệt hơn. Cần chú ý là đồng hành với phong trào chạy bộ đang lên cao  tại Việt Nam thời gian qua, số lượng các vận động viên tham gia các cự ly full marathon tăng nhanh chóng trong khi chưa tích luỹ đủ kinh nghiệm cũng như sức khoẻ khiến cho số lượng người chạy bị chuột rút khi tham gia giải tăng đáng kể.

Biện pháp xử lý: Thường thì tình trạng chuột rút do nhiệt sẽ tự khỏi và không cần có các điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, khi gặp hiện tượng này cần chúng ta nên nghỉ ngơi ở khu vực mát mẻ (nên cân nhắc việc dừng chạy và gọi đội ngũ y tế hoặc người thân tới). Ngoài ra việc nhẹ nhàng thực hiện các bài kéo giãn cơ đang bị chuột rút cũng giúp đáng kể cho việc hồi phục. Để phòng tránh cho hiện tượng này thì trước khi chạy bạn nên khởi động kỹ ( một bài khởi động tốt sẽ làm giảm đáng kể không chỉ hiện tượng chuột rút mà còn với rất nhiều các loại chấn thương khác) và đảm bảo bù đủ nước và điện giải khi chạy. Các bạn có thể tham khảo bài viết http://imsports.vn/chay-bo-mua-he-giu-du-nuoc-cho-co-the-n47164.html

3. Ngất xỉu ( Heat syncope)

Triệu chứng: Ngất xỉu, chóng mặt, hoặc nhức đầu, sau khi vận động kéo dài trong điều kiện thời tiết nóng bức hoặc đột ngột đứng dậy từ vị trí ngồi hoặc nằm.

Nguyên nhân: Đây là một tình trạng bệnh nặng xảy ra với những người tập luyện, lao động trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Khi đó, mồ hôi chảy ra nhiều khiến cho cơ thể mất nước và muối điện giải. Nếu việc này diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn sẽ khiến cho cơ thể gặp tình trạng rối loại cân bằng nước. Cần lưu ý ở đây sẽ có 2 trường hợp có thể sẽ xảy ra đó là mất nước nội trường và mất nước ngoại trường. Mất nước nội trường là khi chất điện giải Na++ bị mất nhiều hơn nước làm cho áp lực thẩm thấu của huyết tương giảm, nước sẽ bị hút vào bên trong nội bào. Ngược lại mất nước ngoại trương là khi mất nước nhiều hơn mất Na++ khiến cho áp lực thẩm thấu của huyết tương tăng nên nước sẽ bị hút ngược từ nội bào sang ngoại bào. Cả 2 trường hợp trên đều dẫn đến nước trong lòng mạch máu giảm, huyết áp giảm khiến đầu óc xây xẩm và choáng ngất. Ngoài ra, ngất xỉu còn có thể gặp sau khi chạy, bạn ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi rồi đột ngột đứng dậy. Việc thay đổi tư thế quá nhanh vậy làm giảm lượng máu lên não cũng có thể gây ngất xỉu.

Biện pháp xử lý: Khi gặp bệnh trên thì cần thiết phải đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc gặp đội ngũ y tế của giải chạy. Trước lúc đó, cần nhanh chóng di chuyển người bị ngất xỉu vào nơi có bóng râm mát mẻ, cho bệnh nhân nằm đầu thấp, hạ thấp thân nhiệt bằng cách cởi bỏ bớt quần áo, dùng nước đá hoặc khăn mát chườm cho nạn nhân. Ngoài ra, nếu có thể thì giúp bệnh nhân bù nước điện giải.

4. Lả nhiệt ( Heat exhaustion)

Triệu chứng: Lả nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt do nhiệt độ môi trường tăng cao và/hoặc do vận động cường độ cao trong thời gian dài khiến tuyến giáp ( trung khu điều hoà thân nhiệt) bị rối loạn mất kiểm soát. Khi bị lả nhiệt, cơ thể thường có các triệu chứng như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, yếu, cáu gắt, khát, ra nhiều mồ hôi, da tái xanh lạnh, ẩm ướt, tăng nhiệt độ cơ thể khiến cơ thể cảm thấy nóng hừng hực, tim đập loạn nhịp, giảm lượng nước tiểu ra.

Nguyên nhân: Lả nhiệt còn có một tên khác là say nóng. Đây là một bệnh khá thường gặp trong mùa hè hoặc ở tại những nơi không khí lưu thông kém. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới lả nhiệt như sau

– Do môi trường: môi trường nắng nóng hoặc bí bách là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lả nhiệt. Hoặc có thể do cách sử dụng trang phục không phù hợp, ví dụ như mặc quần áo nhiều lớp, quần áo màu tối, quần áo bảo hộ kín,… đều có thể khiến người mặc bị lả nhiệt.

– Do mất nước + điện giải đi kèm: Khi đổ mồ hôi thì cân bằng điện giải của cơ thể cũng bị mất. Quá nhiều hay quá ít điện giải đều dẫn đến tình trạng nước bị rút khỏi tế bào dẫn đến việc cơ thể mất nước.

– Do yếu tố cơ thể: Cơ thể chưa quen với cường độ luyện tập cao hoặc/và chưa thích nghi với môi trường nắng nóng. Thường thì cơ thể phải mất từ 7 đến 14 ngày để làm quen với điều kiện nhiệt của môi trường và sau khoảng 1 tháng thì cơ thể sẽ hoàn toàn thích nghi với môi trường. Do vậy, luyện tập thường xuyên trong điều kiện nắng nóng cũng là một cách hay để giảm tình trạng lả nhiệt (tuy nhiên cần phải lắng nghe cơ thể thật kĩ để biết đâu là điểm tới hạn của bạn).

– Do ảnh hưởng của một số loại thuốc như thuốc chống dị ứng, thuốc ho, cảm, điều trị tăng huyết áp, điều trị tâm thần, thuốc chống co giật, thuốc điều trị hoocmon tuyến giáp,…

– Do thực phẩm: Một số khuyến cáo cho rằng chế độ ăn uống kém lành mạnh như sử dụng các nước giải khát có nhiều đường, rượu bia, thức ăn khó tiêu cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến lả nhiệt của cơ thể. Ngoài ra, sử dụng một số loại trái cây như táo, lê trước khi chạy bộ cũng không được khuyến nghị vì các loại quả này cũng có thể là nguyên nhân khiến cơ thể dễ bị lả nhiệt hơn.

– Do thuốc lá: Hút thuốc lá khiến co thắt động mạch vành khiến cơ thể cần nhiều oxy hơn, cơ tim phải hoạt động nhiều hơn và dẫn đến truỵ tim, khó thở và ngất xỉu

Ngoài ra, một số nguyên nhân cũng được đề cập tới như thiếu ngủ (nghỉ ngơi không đầy đủ), căng thẳng lo âu, stress, sử dụng các chất kích thích, ma tuý cũng có thể khiến cơ thể dễ bị lả nhiệt hơn.

Biện pháp xử lý:  Lả nhiệt là một tình trạng bệnh khá nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến sốc nhiệt. Để điều trị say nóng  thì cần làm giảm nhiệt độ của cơ thể bằng cách đưa người bị bệnh vào khu vực bóng râm, mát mẻ. Cởi bớt các đồ trên người để không khí có thể lưu thông, chườm đá làm mát cơ thể ở các khu vực như cổ, nách, bẹn. Khi người bệnh tỉnh táo hơn thì giúp họ bổ sung nước, chất điện giải. 

5. Sốc nhiệt (Heat stroke)

Triệu chứng: bao gồm các triệu chứng như: Lú lẫn, tình trạng tinh thần thay đổi, nói nhảm, mất ý thức, da nóng, khô hoặc đổ mồ hôi nhiều, động kinh, nhiệt độ cơ thể rất cao, tử vong nếu điều trị bị trì hoãn. Tuy nhiên, khác với lả nhiệt, khi bị sốc nhiệt thì người bệnh thay vì cảm thấy nóng thì ngược lại lại cảm giác lạnh, thậm chí run lên cầm cập nhưng nhiệt độ cơ thể thì vẫn tăng (thường xuyên cao trên 41 độ). Điều này là do trung khu thần kinh điều hoà thân nhiệt tại vùng cổ (vùng dưới đồi) bị tổn thương nghiêm trọng nên đã bị đánh lừa. Do vậy, nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời có thể gây ra những tổn hại không thể hồi phục cho người bệnh, thậm chí một số trường hợp sẽ có tụ máu dưới màng cứng và trong não, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân: Sốc nhiệt còn có tên là say nắng, đây là tình trạng bệnh nặng hơn của lả nhiệt. Do vậy, các nguyên nhân gây ra sốc nhiệt cũng tương tự như đối với lả nhiệt.

Hình 3: Nước uống năng lượng và bù điện giải Tailwind

Biện pháp xử lý: Đối với sốc nhiệt, trước tiên chúng ta cần có tư tưởng phòng còn hơn chống.. Tức là phải phòng tránh việc sốc nhiệt ngay từ đầu bằng cách

– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp và quá lâu dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 15h chiều. Nên tìm các bóng cây hoặc bóng râm khác

– Nạp đầy đủ nước và điện giải trong những ngày nắng nóng, khi cơ thể đổ mồ hôi nhiều

– Sử dụng kem chống nắng và bôi kem mỗi 4-5 tiếng/lần

– Sử dụng các trang phục thông thoáng, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở khu vực đó

            Khi gặp người bị sốc nhiệt thì ngay lập tức cần gọi cho các cơ quan y tế gần nhất, đồng thời cần tiến hành sơ cấp cứu cho nạn nhân. Điều này làm tăng khả năng sống sót và giảm thiểu những di chứng cho người bệnh. Một số sơ cấp cứu phải làm ngay bao gồm:

– Chuyển người bị sốc nhiệt vào nơi thoáng gió, mát mẻ

– Tuyệt đối không cho người bị sốt vì sốc nhiệt uống các loai thuốc hạ sốt như aspirin hay acetaminophen vì nó làm tăng khả năng bị xuất huyết của người bị say nắng.

– Kiểm tra tình trạng tỉnh táo của bệnh nhân. Nếu người bệnh còn tỉnh táo thì nhanh chóng giúp họ nạp nước và điện giải. Nếu người bệnh trong tình trạng hôn mê, ngừng tim thì cần sơ cứu hỗ trợ tim đầu tiên. Nếu người bệnh không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt cao liên tục, đau ngực, khó thở thì cần liên tục chườm lạnh bằng khăn hoặc nước đá ở các vị trí có động mạch lớn như nách, cổ, bẹn. Ngoài ra, khi đó không được cố đưa bất cứ thứ gì vào miệng họ kể cả nước vì có thể khiến họ bị sặc, ngạt thở.

-Giữ người bệnh ở trạng thái nằm và giúp họ bình tĩnh. Một trong những triệu chứng của say nắng là bất tỉnh. Do vậy, nên để người bị say nắng trong trạng thái nằm. Nếu có thể thì ở tư thế xoay người về phía bên trái với chân trái gập lại (đây được gọi là tư thế hồi phục). Nếu bệnh nhân tỉnh lại thì cần giúp họ bình tĩnh, hít thở sâu và có thể mát xa nhẹ nhàng để tăng khả năng tuần hoàn của cơ bắp, đặc biệt là vùng bắp chân.

Cần lưu ý rằng các di chứng của sốc nhiệt gân nên cho cơ thể là rất nghiêm trọng. Đã có những người chạy, vận động viên chuyên nghiệp tử vong khi tham gia chạy marathon nên nếu thấy các dấu hiệu như liệt kê ở trên thì tuyệt đối không được xem thường và cần nhanh chóng sơ cấp cứu cho người bệnh trước khi đưa họ đến bệnh viên, trạm y tế gần nhất.

All in one