Chiến dịch Marketing cuối năm thành công dựa trên các yếu tố nào?

Các nhãn hàng thường tung ra các chiến dịch marketing dịp Tết hay cuối năm nhằm xây dựng niềm tin khách hàng cũng như tăng doanh số. Nhưng đâu là yếu tố tạo nên một chiến dịch thành công trong mùa đặc biệt nhất năm này?

1. Đặt mục tiêu rõ ràng:

Giống như bất kỳ chiến dịch digital nào, việc đặt ra các mục tiêu trước khi bắt đầu là thực sự quan trọng. Điều đó cho phép bạn biết rằng liệu chiến dịch của bạn có thành công hay không và tại sao.

Khi thiết lập các mục tiêu, hãy tìm sự cân bằng giữa những thách thức và khả năng đạt được, và đảm bảo rằng chúng được vạch ra rõ ràng.

Vào dịp cuối năm và giáp Tết, các nhãn hàng thường đặt mục tiêu lợi nhuận và doanh số, hay để tăng brand love. Đây là cơ hội để nhiều thương hiệu cố gắng xây dựng và củng cố hình ảnh của mình trong mắt khách hàng.

2. Concept phù hợp:

Lựa chọn concept luôn là bước quan trọng trong bất kỳ chiến dịch nào, những ý tưởng về tình thân gia đình, gắn kết sum vầy có thể giúp các thương hiệu “chạm” đến cảm xúc người xem. Thế nhưng đó cũng là cái khó khi mà làm sao thương hiệu có cách xây dựng ý tưởng riêng, khác biệt, không bị lẫn vào vô vàn quảng cáo hay chiến dịch khác.

Pepsi năm nay đã ghi dấu ấn với khán giả bằng concept “Người trao tết sum vầy”, là câu chuyện về cái tết của người công nhân đường sắt, tuy chỉ là mảnh ghép nhỏ bé trong bức tranh những con người lao động bình dị ở Việt Nam nhưng cũng góc nhìn ít thương hiệu khai thác trước đây.

3. Đánh trúng khách hàng mục tiêu:

Gia đình là khách hàng được khai thác nhiều nhất trong các chiến dịch cuối năm. Để hiểu khách hàng và tiếp cận với đối tượng mục tiêu, các thương hiệu phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu hành vi mua hàng, online, thói quen và nhu cầu khách hàng.

Các công cụ như Google Analytics đảm nhận khá tốt chức năng này, bởi nó phân tích tốt dữ liệu cá nhân như độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, các hành vi online…

Ví dụ như chiến dịch “Đi để trở về” của Biti’s đầu năm 2017 tập trung vào đối tượng những người trẻ ở độ tuổi 18-25. Bắt nguồn từ tranh cãi về chuyện “xê dịch” của họ liên quan đến việc có nên trở về với gia đình vào dịp tết hay nên đi để trải nghiệm cuộc sống ngoài kia. Biti’s cùng với Soobin Hoàng Sơn đã tung ra video clip với thông điệp “Đi để trở về”, một thông điệp sâu sắc và truyền tải một định nghĩa rất khác về “đi”. “Điều kì diệu là con người ta đi xa hơn để trưởng thành hơn, không quên mang theo bên cạnh hành trang nỗi nhớ gia đình.”

4. Thông điệp ý nghĩa:

Bài toán “lựa chọn” một thông điệp phù hợp thường khá nan giải với marketer. Làm sao để đổi mới nó qua nhiều năm, cũng vào dịp đó? Nếu chiến dịch nói đúng những gì khách hàng muốn nghe thì đó có thể xem là một điều thành công. Để có một thông điệp “chạm đến trái tim” thì quá trình tìm kiếm và đào sâu insight luôn tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Tết 2017, Neptune đã khéo léo gửi đến mọi người lời nhắn nhủ sâu sắc “Vì hoàn cảnh, nhiều người không thể đón Tết bên gia đình. Hãy trân trọng khoảnh khắc sum họp khi còn có thể” của nhãn hàng này tiếp tục khẳng định sự kiên trì và sức sáng tạo không ngừng nghỉ trong việc lan tỏa giá trị đoàn viên.

5. Đúng thời điểm:

Các chiến dịch marketing quảng cáo những hàng tiêu dùng nhanh thường bắt đầu sớm và triển khai trong một khoảng thời gian khá dài vì khách hàng có xu hướng mua sắm sớm. Trong khi các thương hiệu may mặc, giày dép, trang sức lại chọn thời điểm “tung chiêu” muộn hơn vào cuối mùa khi mọi người dùng tiền thưởng dư để sắm sửa.

Vinasoy đã tạo nên dấu ấn viral với video “Mầm lộc an lành” vào thời điểm tận 1 tháng trước Tết, nhưng vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn.

All in one