Trần Lập & Ngày hôm qua

NGÀY ĐÓ KHÔNG XA XÔI

Qua không hâm mộ Bức Tường nhiều lắm, có thể đó là sự khó tính của thế hệ chịu ảnh hưởng từ làn sóng nhạc ngoại quốc những năm 80-90s. Hai ca khúc ấn tượng của Trần Lập đối với Qua là Đường Đến Ngày Vinh Quang và Ngày Hôm Qua. Chúng mang đặc điểm chung của dòng nhạc ngoại phổ biến sau thời kì nhạc xập xình, tiến lên cá tính hơn với tiếng guitar nổi bật, giai điệu đẹp và lời ca mang tính tự sự.

Không phải ai cũng nuốt nổi thể loại mặn mòi như Guns N’ Roses hay Metallica. Có một sự tranh cãi lớn, tới độ những người có gu nghe nhạc khác nhau từng kỳ thị lẫn nhau, chỉ vì chuyện thế nào mới là rock. Nhiều người thế hệ 7x cho rằng Trần Lập chả có tí rock nào cả, rock sến. Tất nhiên đấy là họ so sánh với những tượng đài âm nhạc của thế giới dạng Fredy Mercury hoặc do là fan cuồng của những ban nhạc vĩ đại kiểu Scorpions. Những năm 90s, số đông vẫn thường nghe Beatles, Bee Gees, thậm chí Lobo và MLTR, đấy thôi.

Thế hệ 8x trở đi nghĩ khác, chỉ cần yêu lời ca, thích giai điệu, mà quan trọng nhất họ hát theo được, thế là đủ. Trần Lập vụt sáng sau ca khúc Đường Đến Ngày Vinh Quang. Bỏ xa những cái tên nổi bật hơn cùng thời nhưng chỉ hát cover các ban nhạc nổi tiếng, Tùng John chẳng hạn. Tự sáng tác, phải nói cái tài của Lập là viết ca từ. Nói thay được tâm tư của thế hệ sinh viên nhiều ước mơ trong giai đoạn đất nước vừa bắt đầu chuyển mình khấm khá. Cũng vì giữ cho đẹp lời ca nên có thể giai điệu hoặc một số nốt nhạc trong những ca khúc của Lập hơi bị gò ép, ngang ngang. Có không nhiều bài hát đạt được sự hài hòa như Đường Đến Ngày Vinh Quang và Ngày Hôm Qua. Nhưng nội dung thì luôn hay, sâu sắc.

Với tai nghe người Việt, nhạc nặng quá, tiết tấu nhanh sôi động quá chỉ nâng khán giả lên được ngay lúc nghe, nhưng cảm xúc của người nghe sẽ hạ xuống nhanh sau đó. Phải là dạng cảm xúc bồng bềnh, mong manh , khao khát, có cả lo âu, thậm chí thất vọng và gieo thêm một niềm tin mới, khởi đầu mới cho những mong chờ tiếp theo… mới có thể chạm đến trái tim của tất cả mọi người, khiến cho họ ghi nhớ và hát theo mỗi ngày, mới có đường đến thành công cho nhiều ca khúc hướng đến số đông. Đấy có thể là lý do mà tới giờ trong các sự kiện bóng đá, chưa có ca khúc thay thế được bài hát của Lập.

Có lẽ việc sáng tác ca khúc bóng đá luôn khó, tiết tấu nhanh sôi động hay chậm rãi nhẹ nhàng đi vào nội tâm ? cả hai yếu tố tưởng như trái ngược nhưng cần có cả, chính là chìa khóa chạm tới trái tim hàng tỷ người, ở ca khúc bóng đá ” Mùa Hè Italia”.

Ở đâu đó, trong một tầm dưới, có thể thấy thông điệp “ngày đó không xa xôi” của Trần Lập, dù không phải là ca khúc bóng đá, mà lại được thành công và gắn với bóng đá, bởi nó có những đặc điểm tạo ra cảm xúc theo cách của “Mùa hè Italia”

Khi lời hát “ngày hôm qua như trong giấc mơ” vang lên trong căn phòng đặc biệt, tất cả lặng đi. Rồi có vài cánh tay giơ lên với biểu tượng chào quen thuộc của những người yêu rock, nhiều cánh tay cùng đồng loạt giơ cao. Buổi trình diễn cuối cùng của Trần Lập đã khiến cho căn phòng ảm đạm bỗng giống như một sân khấu quen thuộc.

“Nghệ sĩ khổ anh nhỉ, em đứng mà rơi nước mắt. Chả nhẽ cứ phải chết đi thì cống hiến mới được ghi nhận thế này” .. cậu em cùng chiến tuyến với tay rocker đoản mệnh vừa ra đi, bất chợt bảo.

Làm nghệ thuật, không ai mong chờ những vầng hào quang tỏa sáng chỉ sau khi nằm xuống. Nghệ sỹ cần những cống hiến của mình được ghi nhận ngay từ khi còn sung sức…

Trong cái thị trường rock bé nhỏ của Vietnam, còn gian khó hơn nữa. Bởi hầu hết khán giả hiện bây giờ, họ chỉ hài lòng với những cống hiến miễn phí, Rock Storm miễn phí, Tiger Translate miễn phí, nhạc online miễn phí… những cống hiến không được chi trả. Mà ngay cả thế thôi cũng đã là một sự ghi nhận sung sướng lắm rồi. Và khi chết đi, ào ào, tràn ngập những tôn vinh, những ca ngợi, mà hiếm thấy bài báo nào nhắc tới chuyện những người ca sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng thế, mà lại nghèo.

Nếu ở một thị trường văn minh hơn, mỗi lượt nghe có trả tiền tương xứng, thì những ban nhạc nổi tiếng như Bức Tường, Ngũ Cung .. số hiếm hoi có những sản phẩm nghệ thuật rock thành công được ghi nhận phổ biến, sẽ rất giàu có.

Giữ được lửa rực cháy trên sân khấu là rất tốn tiền, giữ được lửa trong lòng còn tốn cả tuổi trẻ, và có khi tốn cả cuộc đời. Lời hẹn khi chia tay, giờ còn chúng tôi sẽ bước tiếp con đường , theo Qua là chưa đủ.

Cần phải tiến thêm một bước nữa, phải là những người tiên phong không biểu diễn miễn phí, cùng nhau lan tỏa thông điệp “Thay vì khóc thương, hãy trả tiền nghe rock”, thế mới đáng.

Quên, vậy cuối cùng nhạc của Lập có phải là Rock không ? Với Qua : Chả quan trọng.

Nguồn: Đỗ Anh Tú

All in one