Dáng chạy thế nào để cải thiện thành tích?

CHẠY THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN THÀNH TÍCH ?

Những bạn mới bắt đầu bước chân vào chạy bộ thường đặt ra câu hỏi rằng mình chạy như thế đã đúng kỹ thuật chưa? Chạy như vậy có bị ảnh hưởng đến thành tích hay không? Đây là những băn khoăn, trăn trở của đa số bạn khi mới xỏ giày chạy. Có thể trong số đó đã từng lên nhờ vả ông thầy “google seach” để tìm hiểu. Những kiến thức ông thầy ấy trả về là khá nhiều và phức tạp nên bạn cũng có thể chắt lọc và tìm ra cho mình một dáng chạy chuẩn nhất.

Chúng ta phải hiểu rằng cấu tạo cơ thể của con người là khác nhau , sự khác nhau ấy thể hiện qua hình dáng, cấu tạo các cơ, xương vậy nên nó quy định dáng đi hay dáng chạy của mỗi cá nhân. Chính vì lẽ đó mà hầu hết các bạn khi mới tập luyện thường hay chạy theo “thói quen” sao cho cơ thể cảm thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên đây là một sai lầm nếu như bạn muốn vươn tầm hay muốn có thành tích cao. Để có được điều này trước hết phải cần sự tư vấn của bác sỹ và huấn luyện viên. Lúc này với các thông số cơ thể, các nhóm cơ và cấu tạo xương họ sẽ chỉ ra cho bạn tư thế phù hợp nhất để nâng cao thành tích.

Còn nếu chỉ chạy “fun run” để rèn luyện sức khỏe thì thực sự là không quá quan trọng. Bạn sẽ chỉnh từ từ theo dáng thích hợp nhất để tránh những chấn thương về cơ, gân, xương khi chạy bộ vì lúc này tốc độ bạn khá chậm (thường là pace 7 – pace 8) nên những nguy cơ chấn thương nặng là không nhiều. Chạy chậm và cự ly ngắn để rèn luyện sức khỏe song bạn vẫn phải luôn chú ý tới tư thế chạy sao cho đẹp nhất để khi đi race mình có những bức hình xinh nhất, đẹp nhất bạn nhé.

Chạy đúng để chạy nhanh hơn

Đối với các vận động viên muốn có thành tích thì nhất thiết việc điều chỉnh tư thế luôn phải chú trọng hơn bao giờ hết. Để nhanh được thêm vài giây đó cũng là một quá trình khổ luyện, điều chỉnh hình dáng tư thế khi chạy bộ.

+ Mắt: luôn hướng về phía trước với khoảng cách nhìn từ 30-60m so với vị trí cơ thể bản thân đang chạy. Nếu như tập trung vào một điểm sẽ giúp cho cổ và cột sống của bạn được giữ thẳng hàng. Đây không chỉ là tư thế chạy phù hợp mà còn là để chạy an toàn hơn vì bạn có thể thấy những gì sắp diễn ra và tránh bị ngã. Các bạn cũng lưu ý là mắt hướng về trước nhưng không phải là ngửa mặt lên đâu nhé, mà ngược lại mặt hơi cúi xuống 1 chút.

+ Thân người: giữ ổn định, vai – lưng – chân luôn tạo thành một trục thẳng không lắc lư theo từng bước chạy. Điều này giúp cho bạn đỡ hao tổn sức lực khi vận động cường độ cao trong khoảng thời gian dài.

+ Vai: thả lỏng và giữ cho phần cánh tay ngay gần sát eo của bạn. Cánh tay và cẳng tay nên giữ 1 góc 90 độ. Không vung tay quá mạnh khi chạy pace thấp để tránh mất sức. Vai của bạn phải được thư giãn, vuông góc hoặc hướng về phía trước, không bị gù. Vòng vai nghiêng về phía trước sẽ gây thắt chặt ngực và hạn chế việc hít thở. Bạn sẽ thở dễ dàng hơn rất nhiều nếu vai bạn được thư giãn. Lắc tay, nhún vai và cố gắng nới lỏng vai, đặc biệt là khi bạn mệt mỏi.

+ Mũi chân: Luôn phải giữ cho mũi chân luôn hướng về phía trước để định hướng đường chạy cho mình. Nếu như bạn đang hướng sang hai bên hoặc vào trong nó sẽ dễ dẫn tới các chấn thương cơ cổ chân hoặc nặng hơn là vấp ngã và ảnh hưởng tới khớp cổ chân.

+ Đầu gối: nên chùng nhẹ khi nhận lực phản hồi khi tiếp đất để hấp thụ lực, tránh chấn thương. Nó nên được giữ thẳng hàng với phần giữa của bàn chân để đảm bảo rằng khi chạm đất, bàn chân nằm dưới đầu gối của bạn. Việc nhấc đầu gối quá cao sẽ gây lãng phí năng lượng của cơ thể. Nhiều người khi đã gần kiệt sức, vật lộn với nhấc đầu gối nhưng thực tế thì bàn chân không hề nhấc ra khỏi mặt đất.

+ Bàn tay: không nắm quá chặt vì như thể sẽ làm bạn tiêu hao năng lượng và căng cứng. Bàn tay nên nắm hờ và thả lỏng để tạo cảm giác thư thái nhất sau những nhịp vung tay. Khi chạy với pace cao hơn bạn di chuyển nhanh hơn và tạo ra nhiều năng lượng hơn. Cánh tay của bạn nên giữ ở một góc 90 độ. Lòng bàn tay và nắm tay của bạn di chuyển từ cằm sang hông. Nó giúp đẩy cơ thể bạn về phía trước. Giữ cho khuỷu tay của bạn gần sát với 2 bên cơ thể. Không đánh cánh tay từ bên này sang bên kia. Cánh tay của bạn nên xoay qua lại từ khớp vai, không phải khớp khuỷu tay

+ Bàn chân: không có qui tắc nhất định về việc bàn chân tiếp đất, nhưng tốt nhất là tiếp đất cân bằng và 2/3 bàn chân trước tiếp xuống trước và gót tiếp sau, miễn sao bạn sử dụng lực bàn chân để đẩy cơ thể tiến về phía trước thay vì chỉ đơn giản nâng bàn chân lên. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn rướn về phía trước và thực hiện được những sải chân dài hơn.

All in one